Với hơn 84.000 ha cây ăn quả, sản lượng 450.000 tấn/năm, Sơn La là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn của miền Bắc. Tuy nhiên, giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; trong đó, một trong những nguyên nhân là do khâu dịch vụ logistics chưa đáp ứng yêu cầu.
Câu chuyện mùa thu hoạch
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện clip ghi lại cảnh người dân xếp hàng dài, tranh nhau mua hộp đựng dâu tây tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Tìm hiểu thực hư câu chuyện tại HTX dâu tây Xuân Quế, anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX có 30 ha dâu tây, chủ yếu là giống Hana của Nhật. Ngoài sản xuất, HTX còn là đầu mối thu mua, cung cấp bao bì đóng gói cho người dân. Hiện nay đang là thời điểm chính vụ, mỗi ngày, HTX huy động khoảng 200 nhân công thu hái, phân loại đóng gói khoảng 20 tấn. Tuy nhiên, 1 tuần trở lại đây, dâu tây rơi vào tình trạng không tiêu thụ kịp, nguyên nhân do thiếu bao bì đựng sản phẩm. Kho lạnh của HTX chỉ có sức chứa 70 tấn, để bảo quản lượng dâu tây dư thừa, HTX đang phải thuê thêm 1 kho lạnh tại thị trấn Hát Lót.
Cuộc trò chuyện với phóng viên liên tục bị ngắt quãng, bởi anh Nam liên tục phải tiếp khách đến hỏi mua hộp đựng dâu tây. Anh Nam nói: Toàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất bao bì đóng gói sản phẩm, từ trước đến nay, HTX phải đặt mua các hộp đựng dâu tây từ ngoài tỉnh. Thời gian cao điểm, trung bình mỗi ngày, HTX nhập 50.000 hộp nhựa các loại để đóng gói và bán lại cho người dân. Nhưng gần 1 tháng qua, doanh nghiệp bán hộp đựng quả dừng sản xuất, HTX phải nhập ở các đầu mối khác, nhưng do mẫu mã, kích thước, chất lượng khác nhau, ảnh hưởng đến việc vận chuyển sản phẩm quả dâu, nên người trồng dâu không sử dụng.
Để có hộp đóng gói dâu tây, HTX phải thu gom mẫu hộp như trước đây tại các tỉnh, thành nhưng chỉ đáp ứng 10% nhu cầu. Nếu như trước đây, mỗi hộp đựng dâu tây loại 500 gam có giá 1.500 đồng/hộp, thì nay giá tăng gấp 3 lần. Việc thiếu hụt nguồn cung hộp đựng, ảnh hưởng đến tiến độ đóng gói, bảo quản, vận chuyển dâu tây.
Chị Lò Thị Lả, bản Hua Long, xã Cò Nòi, nói: Gia đình tôi có 4.000 m2 trồng dâu tây, thời gian này, mỗi ngày thu khoảng 50 kg quả và cần 70 hộp để đóng gói. Nhưng với những mẫu hộp mới, chỉ bán tại các chợ hoặc bán lẻ quanh vùng, còn những mối hàng ngoài tỉnh, khách chỉ ưa chuộng mẫu cũ. Do vậy, những ngày tiếp theo, gia đình chưa có hộp đóng gói tiêu thụ sản phẩm.
Còn chị Đinh Thị Minh, bản Tân Thảo, xã Cò Nòi, buồn rầu: Năm nay, sản lượng dâu tây của gia đình dự kiến thu khoảng 15 tấn quả, đang chín ồ ạt. Đầu vụ, 1 kg dâu tây loại VIP giá 150.000-300.000 đồng/kg, loại thường giá 100.000-150.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn 80.000 đồng/kg loại VIP và 40.000-50.000 đồng/kg loại thường. Dâu chín rộ, lại thiếu hộp đóng gói, nên gia đình phải bán cho các đơn vị có kho lạnh bảo quản để chế biến thành các sản phẩm siro, nước ép, với giá 10.000 đồng/kg.
Vụ thu hoạch dâu tây bắt đầu từ cuối tháng 12 kéo dài đến đầu tháng 4. Dâu tây đang là một trong những loại quả đem lại nguồn thu lớn cho nông dân. Năm 2015, huyện Mai Sơn có trên 100 ha, đến nay, tăng lên gần 260 ha; sản lượng đạt khoảng 1.600 tấn/năm; trong đó Cò Nòi là xã có diện tích lớn nhất với 230 ha. Dâu tây đang bước vào chính vụ, nhưng dâu tây Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn vào các tỉnh miền Bắc, làm thị trường dâu tây Sơn La nói chung và dâu tây Mai Sơn bị thu hẹp.
Điểm nghẽn
Câu chuyện tiêu thụ dâu tây ở Mai Sơn những ngày qua là ví dụ cụ thể do phụ thuộc hoàn toàn vào một đơn vị sản xuất bao bì, nên khi doanh nghiệp ngừng sản xuất, nông dân lao đao, không kịp xoay sở, dẫn đến việc khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện có 11.000 ha cây ăn quả, sản lượng 70.000 tấn/năm. Việc thu hoạch quả, thường tập trung trong thời gian ngắn. Ngoài việc chưa có cơ sở sản xuất bao bì, hệ thống kho lạnh trên địa bàn quy mô nhỏ, chủ yếu của các hộ gia đình, HTX, không đáp ứng nhu cầu bảo quản, nên gặp sự cố thiếu bao bì đóng gói như dâu tây.
Còn huyện Yên Châu, ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện, nói: Các sản phẩm quả như: Xoài, mận hậu, nhãn của huyện đa số tiêu thụ tại các tỉnh và xuất khẩu sang một số nước. Các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, vận chuyển, chế biến nông sản thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất vận hành chuỗi cung ứng lạnh khiến nông sản bị tổn thất, hao hụt lượng và chất. Các đơn hàng đi xa, chủ cơ sở, HTX, đơn vị thu gom đều phải thuê container, xe lạnh hoặc qua đơn vị trung gian, khiến chi phí tăng cao.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh mới có 55 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics, quy mô rất nhỏ, loại hình dịch vụ đơn giản. Chủ yếu vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ, hoặc cho thuê kho, bãi. Còn các dịch vụ quan trọng khác, như: Hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ...) đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật... vẫn chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Cả tỉnh mới có khoảng 30 kho lạnh, dung tích dưới 250 m³/kho; khoảng 2.500 cơ sở sấy quả tươi nhỏ lẻ, với công suất 60.000 tấn quả tươi/vụ (chủ yếu sản phẩm nhãn); 12 container lạnh; chưa có cơ sở chuyên sản xuất các vật liệu, sản phẩm phục vụ hoạt động bao trái, đóng gói, xuất khẩu, như: Thùng xốp, hộp, rành nhựa, túi bao trái... Do đó, chi phí dịch vụ logistics, doanh nghiệp, HTX đang phải chi trả chiếm 19-22% giá thành sản phẩm.
Tăng cường phát triển dịch vụ logistics
Phát triển dịch vụ logistics là giải pháp cấp bách, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa các mặt hàng nông sản của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước nhanh nhất.
Mở rộng sự hiện diện của sản phẩm nông sản trên thị trường, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ logistics; quyết định về quy định nội dung, mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác, với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ logistics; khuyến khích thành lập các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại truyền thống, thương mại điện tử và xuất nhập khẩu.
Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngành đã tham mưu với tỉnh các giải pháp rút ngắn thời gian và chi phí vận tải hàng hóa. Quy hoạch, khuyến khích đầu tư hệ thống kho bãi dịch vụ vệ tinh xung quanh các trung tâm đô thị, cửa khẩu, trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu khảo sát đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, phân loại, bao gói tập trung. Đồng thời, nghiên cứu lựa chọn, hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm liên kết toàn diện, chuỗi cung ứng lạnh giữa đơn vị sản xuất, đơn vị tiêu thụ, đơn vị logistics từ khâu canh tác - thu hoạch - thu mua - vận chuyển - sơ chế - lưu trữ cho đến thông quan - xuất khẩu, tiêu thụ, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững.
Các địa phương trong tỉnh cũng cần đẩy mạnh phát triển đồng bộ các dịch vụ logistics, trọng tâm hỗ trợ các cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản với hệ thống kho lạnh, mát; phát triển hạ tầng giao thông vận tải, giảm chi phí, tạo điều kiện dễ dàng lưu thông hàng hóa nông sản...
Tiềm năng phát triển lĩnh vực logistics ở Sơn La rất lớn; tuy nhiên, trước nhiều vấn đề còn bất cập trong thực tiễn, cần tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để dịch vụ logistics phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản nói chung và mặt hàng trái cây nói riêng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!