Tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu sang Mỹ

Năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc), chiếm 20,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dư địa xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn rất lớn khi Việt Nam nâng cao hơn nữa chất lượng và khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản.

Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). (Ảnh TRẦN QUỐC)
Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). (Ảnh TRẦN QUỐC)

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ cho thấy, 10 tháng năm 2023, Mỹ nhập khẩu 1,43 triệu tấn cao-su. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ là thị trường cung cấp cao-su lớn thứ 13 cho Mỹ với 20,37 nghìn tấn, trị giá 28,99 triệu USD.

Thị phần cao-su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Mỹ chỉ chiếm 1,42%, giảm so với mức 1,66% của 10 tháng năm 2022. Nguyên nhân là xuất khẩu cao-su của Việt Nam sang Mỹ chịu cạnh tranh từ nhiều thị trường, nhất là từ Indonesia (chiếm 25,13% tổng lượng nhập khẩu cao su của Mỹ) và Thái Lan (chiếm 14,28% tổng lượng nhập khẩu cao-su của Mỹ).

Cùng trong chủng loại sản phẩm từ cây công nghiệp, 10 tháng năm 2023, Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho thị trường Mỹ với lượng đạt 106,15 nghìn tấn, trị giá hơn 605 triệu USD.

Mặc dù giảm cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022 nhưng thị phần hạt điều của Việt Nam vẫn chiếm 88,7% tổng lượng và 88,21% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Đối với mặt hàng tiềm năng thủy sản, từ tháng 10/2023, nhập khẩu thủy sản của Mỹ từ các thị trường Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam, Nhật Bản và Hà Lan đều tăng về lượng, trong đó, Việt Nam là thị trường có lượng nhập khẩu tăng mạnh nhất và trị giá tăng mạnh thứ 2.

Đáng chú ý, nhập khẩu tôm, cá tra và cá ngừ của Mỹ từ Việt Nam tăng tích cực. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam hiện là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 6 cho Mỹ, sau Canada, Chile, Ấn Độ, Indonesia, Ecuador.

VASEP nhận định: Hiện, tỷ lệ tồn kho sản phẩm tại các nhà phân phối, bán lẻ ở Mỹ đã giảm về mức trung bình, có thể kích thích các doanh nghiệp tại đây gia tăng tích trữ hàng tồn kho trở lại, là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản nói chung sang thị trường Mỹ. Về xu hướng tiêu dùng, hiện nhu cầu tiêu thụ cá đóng hộp của Mỹ đang tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu ngành thủy sản đóng hộp của Mỹ đã tăng từ 2,3 tỷ USD năm 2018 lên hơn 2,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2023. Các sản phẩm như: Cá mòi cuộn chanh bảo quản, cá thu sốt cà ri đang phổ biến dần tại Mỹ.

Các sản phẩm cá đóng hộp có giá từ 7,99 USD đến 10,99 USD/hộp. Riêng đối với cá tra, xu hướng tiêu thụ năm 2024 tại thị trường Mỹ sẽ không chỉ tập trung vào cá phile đông lạnh-sản phẩm thế mạnh của Việt Nam-mà sẽ mở rộng và tăng dần với cá tra chế biến, có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm phụ, như: Bong bóng cá, chả cá tra. Điều này đòi hỏi ngành hàng thủy sản Việt Nam phải đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu thì mới có thể tăng sức cạnh tranh tại thị trường lớn này.

 

Ngoài các mặt hàng truyền thống như thủy sản, hạt điều,... thì một số sản phẩm khác như quế, hồi, dược liệu... cũng được ghi nhận là những sản phẩm tiềm năng xuất khẩu sang Mỹ trong những năm gần đây.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết: Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu quế của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 50 triệu USD, chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Quế, hồi không chỉ là gia vị được ưa chuộng mà còn được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, gần đây được bổ sung vào các sản phẩm đồ uống như trà, cà-phê và các đồ uống bổ sung dinh dưỡng khác. Đối với mặt hàng hồi, năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hồi sang Mỹ đạt khoảng 5 triệu USD, chiếm 13% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

“Tại thị trường Mỹ hiện nay, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tăng sức đề kháng, nhất là sau đại dịch Covid-19, nên nhu cầu sử dụng tinh dầu quế, hồi không ngừng tăng. Mặt khác, người tiêu dùng Mỹ còn cho rằng, quế, hồi không chỉ là sản phẩm có lợi cho sức khỏe mà còn là cây trồng góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng núi dốc, có giá trị trong bảo vệ các nguồn gen quý bản địa; đồng thời giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Đây là những giá trị lớn trong phát triển bền vững, có khả năng quảng bá tốt cho sản phẩm quế, hồi Việt Nam tại Mỹ cho nên các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khai thác. Bên cạnh đó, các địa phương cần có quy hoạch bảo đảm vùng nguyên liệu chất lượng cao, trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác như Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ.

Các doanh nghiệp chế biến đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao hàm lượng tinh chế sản phẩm, chú trọng việc tham gia hội chợ quốc tế để quảng bá rộng rãi sản phẩm quế, hồi Việt Nam tại thị trường Mỹ” - ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết thêm.

Theo NDĐT
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới