Những năm qua, huyện Sốp Cộp triển khai hiệu quả kế hoạch trồng rừng, tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của nhân dân.
Ông Vì Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Thực hiện Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Phòng đã tham mưu với UBND huyện vận dụng cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia trồng cây lâm nghiệp, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, rà soát các loại cây lâm nghiệp thích hợp để đưa vào trồng, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con về ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng. Tạo điều kiện cho các hộ trồng rừng được tiếp cận với nguồn cây giống của các dự án, nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn dài hạn phù hợp với chu kỳ kinh doanh; hỗ trợ đào tạo kỹ thuật trồng rừng cho nhân dân. Với những diện tích rừng trồng năm thứ nhất, thứ hai, khuyến khích bà con trồng xen canh một số loại cây, như sắn cao sản, cà phê, cây dược liệu, để có thêm thu nhập khi cây chưa khép tán.
Mỗi năm các đơn vị, nhà vườn trên địa bàn huyện Sốp Cộp cung ứng từ 500 - 600 nghìn cây giống các loại, chủ yếu là thông mã vĩ, thộ lộ, lát, tếch, bạch đàn... Ngoài ra, trên địa bàn có 5 vườn ươm giống cây lâm nghiệp quy mô hộ gia đình ở các xã Mường Và, Nậm Lạnh, Sốp Cộp, Dồm Cang, Púng Bánh, mỗi năm các vườn ươm cung cấp gần 1 triệu cây giống trồng rừng cho nhân dân trong huyện... UBND huyện còn phối hợp với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu đưa các cây trồng mới giữ đất, chống xói mòn và có giá trị kinh tế vào trồng thử nghiệm và nhân rộng, như tre bát độ, sơn tra, sa nhân, mắc ca...
Nếu như năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 47,4%, sau hơn 3 năm triển khai Đề án, toàn huyện đã trồng được 2.741 ha rừng các loại, nâng tổng diện tích rừng lên gần 69.780 ha. Trong đó, có 5.834 ha rừng đặc dụng, 32.546 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng trồng và rừng trồng đã thành rừng. Qua đó, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên hơn 48%. Mỗi năm, các tổ chức, cá nhân khai thác từ 3.000-10.000 m³ gỗ được cấp phép, với giá từ 700-900 nghìn đồng/m³. Nhiều gia đình trồng cây lâm nghiệp có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm.
Với gia đình ông Lường Văn Thành, bản Liền Ban, xã Púng Bánh, trồng rừng là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình. Ông Thành cho biết: Từ năm 2008, gia đình tôi đề nghị với các cấp chính quyền hỗ trợ cây giống để trồng 7 ha rừng, chủ yếu là thông mã vĩ. Năm 2021, gia đình đã khai thác gần 600m³, thu trên 450 triệu đồng. Đầu năm 2022, gia đình tiếp tục trồng lại 7 ha trên diện tích đã khai thác bằng giống thông mã vĩ, hiện nay cây đang phát triển tốt.
Còn ông Tòng Văn Dũng, bản Lạnh, xã Nậm Lạnh, chia sẻ: Năm 2016, huyện có chủ trương trồng thông mã vĩ, gia đình tôi đã đăng ký trồng 40 ha. Đến nay, cây đã cao hơn 3m, không có sâu bệnh. Dự kiến 5-6 năm nữa sẽ cho khai thác, với giá bán như hiện nay thu nhập khoảng 100-120 triệu đồng/ha.
Huyện Sốp Cộp tiếp tục hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho bà con vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu trồng cây lâm nghiệp; hướng dẫn sản xuất theo phương thức nông lâm kết hợp; nâng cao năng lực quản lý, sử dụng nguồn vốn các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển rừng đạt hiệu quả cao... Phấn đấu đến năm 2025, nâng độ che phủ rừng của huyện lên trên 50%.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!