Những năm qua, xã Song Pe, huyện Bắc Yên đã tập trung khai thác lợi thế đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, tạo sinh kế lâu dài, bền vững để người dân tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Bà Đinh Thị Bích, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Để chăn nuôi phát triển bền vững, đem lại hiệu quả và trở thành thế mạnh của địa phương, xã tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho người dân giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi có kiểm soát, gia trại, trang trại; chăn nuôi theo hướng liên kết, liên doanh và sản xuất theo chuỗi khép kín; khuyến khích thành lập các HTX chăn nuôi.
UBND xã chỉ đạo chuyển đổi đất trồng khác kém hiệu quả kinh tế sang trồng cỏ và tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn, kỹ thuật chăn nuôi gia súc; hướng dẫn xây dựng chuồng trại kiên cố, các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận vay các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng diện tích trồng cỏ, xây dựng chuồng trại kiên cố phát triển đàn gia súc.
Công tác phòng chống dịch bệnh đàn gia súc luôn được xã Song Pe quan tâm, chỉ đạo cán bộ khuyến nông, thú y tuyên truyền hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi; kiểm tra, giám sát dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng theo định kỳ. Hiện nay, xã có trên 100 con trâu, 4.269 con bò, gần 4.200 con dê và 1.276 con lợn. Từ chăn nuôi gia súc, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Bản Chanh, xã Song Pe nằm dọc theo sông Đà, thuận lợi trong việc phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ. Ông Hoàng Văn Quyền, Bí thư, Trưởng bản, cho biết: Bản có 78 hộ, hộ nào cũng nuôi trâu, bò, dê hộ ít nhất từ 3 con trở lên, nhiều thì đến 40-50 con. Bản đã phối hợp với thú y xã thường xuyên hướng dẫn người thực hiện các biện pháp phòng tránh rét, dự trữ thức ăn vào mùa đông; định kỳ tiêm vắc xin phòng bệnh, nên gia súc trong bản ít bị bệnh và xuất chuồng nhanh hơn. Hiện nay cả bản có gần 2.000 con gia súc các loại; trồng gần 10 ha cỏ voi, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Gia đình anh Đinh Văn Thưởng là một trong những hộ tiêu biểu về nuôi dê ở bản gia đình thường xuyên duy trì nuôi gần 200 con dê, đem lại thu nhập ổn định từ 180-200 triệu đồng/năm. Anh Thưởng cho biết: Nhận thấy nhu cầu của thị trường, gia đình đã vay vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại, nhân giống dê bản địa với giống dê lai và chuyển đổi hơn 2 ha các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, ngô, sắn làm thức ăn. Dê dễ nuôi, ít bệnh; ít công chăm sóc, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong các vườn, đồi, vì dê là loài động vật ăn tạp. Bên cạnh đó, dê có khả năng sinh trưởng nhanh, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1-3 con.
Xã Song Pe đang tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia súc gắn với quy hoạch diện tích trồng cỏ; khai thác nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, gắn với triển khai các biện pháp an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến hết năm nay, đàn gia súc trên 11.000 con, sản lượng thịt hơi thương phẩm gần 300 tấn, trồng 80 ha cỏ làm thức ăn; góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!