Sau vụ thu hoạch, cây trồng cần bổ sung dinh dưỡng cho trái vụ sau. Chăm bón giúp nhanh chóng phục hồi, đảm bảo năng suất, chất lượng vụ quả tiếp theo luôn được các nhà vườn trên địa bàn huyện Yên Châu quan tâm.
Hơn 20 năm gắn bó với cây mận hậu, vườn mận 3 ha của gia đình anh Nguyễn Văn Doanh ở bản Cồn Huốt, xã Phiêng Khoài được chăm sóc theo quy trình VietGAP, hữu cơ; đầu tư hệ thống tưới tự động và có camera giám sát. Năm nay, dù thời tiết khô hạn đúng vào thời kỳ ra hoa, đậu quả nhưng vườn mận của gia đình anh vẫn cho thu hoạch 70 tấn quả, bán với giá từ 18.000-50.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu hơn 1,5 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Doanh chia sẻ kinh nghiệm: Chăm bón cây trồng phải quanh năm, nhưng sau thu hoạch phải tăng cường hơn, nếu không kịp thời, cây “bị đói” dễ kiệt sức, hấp thu dinh dưỡng kém, chất lượng quả kém hoặc không ra quả. Chính vì thế, ngay khi thu hoạch xong, gia đình tiến hành cắt tỉa các cành bị sâu bệnh, cành khô, tăm yếu; xới đất xung quanh gốc; sử dụng phân bón làm từ những phế phẩm nông nghiệp vừa làm tơi xốp đất, vừa giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn...
Được đưa vào trồng từ những năm 1995, hiện nay, huyện Yên Châu trồng trên 3.520ha mận hậu, sản lượng năm nay đạt gần 30.000 tấn quả. Vừa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cây mận hậu được bà con ở các xã Phiêng Khoài, Lóng Phiêng, Yên Sơn có cách chăm bón riêng nên mận hậu ở đây luôn sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, từng bước xây dựng thương hiệu, được thị trường đón nhận.
Một trong những bí quyết tạo nên chất lượng mận hậu Yên Châu được bà con nông dân áp dụng những năm gần đây là sử dụng nguồn phân bón hữu cơ. Trong đó, phân chuồng ủ hoai mục, hoặc phân hữu cơ từ bột ngô và hạt đậu tương được xem là giải pháp hiệu quả giúp cho cây mận hậu phát triển tốt.
Bí quyết chăm bón mận cũng được HTX nông sản bản địa Noọng Piêu, xã Phiêng Khoài áp dụng cho hơn 30ha mận RUBY. Sản phẩm mận nổi tiếng này đã vào các siêu thị, trung tâm thương mại toàn quốc và xuất khẩu sang thị trường một số nước EU như: Anh, Pháp, Đức, Cộng hòa Séc.
Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX nông sản bản địa Noọng Piêu, chia sẻ: Từ những gốc mận trước đây, HTX cắt tỉa cành, giảm số lượng quả để chăm sóc kỹ hơn về dinh dưỡng, tạo ra những quả mận RUBY chất lượng tốt nhất. Ngoài đầu tư hệ thống nước tưới, HTX đã hướng dẫn các thành viên cách ngâm ủ đậu tương làm phân bón cho cây mận. Sau khi đậu tương được nghiền, rồi ủ lên men đủ thời gian 1,5 tháng sẽ được mang ra bón lót cho cây trồng. Bằng cách này đã giúp làm tăng độ tơi xốp của đất, bổ sung lượng đạm lớn cho cây mận sau một thời gian “kiệt sức” vì nuôi quả, giúp cây hấp thu nhanh, cứng cành, kích chồi, đặc biệt là ra hoa đậu quả rất tốt.
Ngoài mận hậu, xoài cũng là cây ăn quả chủ lực của Yên Châu, với 3.280ha. Vụ xoài năm nay, huyện tiêu thụ trong nước 13.000 tấn và xuất khẩu 3.200 tấn sang thị trường các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Những năm gần đây, huyện đã quy hoạch, phát triển vùng xoài theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp thâm canh, sản xuất theo quy trình VietGAP; bảo tồn, lưu giữ giống xoài tròn và trồng các loại giống mới có chất lượng cao, thời gian thu hoạch khác nhau, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thời gian này, gia đình ông Hoàng Văn Minh, bản Phát, xã Chiềng Pằn chăm sóc 2,2ha xoài tượng da xanh sau thu hoạch. Do đầu tư thâm canh, sản phẩm quả đảm bảo chất lượng, an toàn, trọng lượng mỗi quả đạt từ 1,2-1,5kg, tổng sản lượng 12 tấn, được các chuỗi cửa hàng sạch trong tỉnh thu mua, với giá bình quân 10.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Ông Hoàng Văn Minh cho biết: Gia đình tập trung vệ sinh vườn, dọn dẹp tàn dư lá và cành rụng để loại bỏ mầm bệnh; cắt bỏ cành yếu, cành bị bệnh, tăng khả năng quang hợp giúp cây nhanh chóng phục hồi. Đồng thời, quét vôi lên gốc và những phần cành vừa cắt tỉa, thúc đẩy quá trình lành vết thương; kết hợp bón phân hữu cơ và phân vô cơ bón cho cây.
Ông Vũ Hải Yến, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Yên Châu, chia sẻ: Yên Châu có 11.500ha cây ăn quả, trong đó, gần 7.000ha xoài và mận hậu. Chăm sóc xoài cần thực hiện quanh năm, nhưng thời điểm xoài sau thu hoạch phải được chú trọng hơn, bởi cây bị tổn thương rất lớn sau 5-6 tháng nuôi quả; nếu không được chăm bón kịp thời, dễ bị kiệt sức, hấp thu dinh dưỡng kém, vụ sau sẽ cho chất lượng quả kém hoặc không ra quả.
Từ cuối tháng 7, phòng chủ động phối hợp với các xã, đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn cho người dân cách chăm sóc, theo dõi tình hình sinh trưởng của cây và tiến hành phun các loại thuốc chuyên dùng theo đúng hướng dẫn, khi cây xuất hiện sâu bệnh hại, nhất là các khu vực có sản phẩm xoài được cấp chỉ dẫn địa lý và ứng dụng công nghệ cao.
Với kinh nghiệm chia sẻ của nhà vườn, sự quan tâm, hướng dẫn của ngành chuyên môn và sự chủ động của người dân trong việc chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, đã và đang giúp diện tích cây ăn quả của huyện Yên Châu phát triển tốt; tăng tỷ lệ đậu quả, hứa hẹn những vụ mùa bội thu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!