Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nông dân huyện Bắc Yên phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế rủi ro dịch bệnh, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Song Pe là một trong những xã có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi gia súc, với hơn 2.300 ha đất sản xuất nông nghiệp gieo trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, nhiều phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; nhân dân các bản tận dụng diện tích đất bỏ hoang, đất nương trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc; xây dựng chuồng trại kiên cố, tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc đầy đủ... Đến nay, xã Song Pe mở rộng diện tích trồng cỏ voi lên hơn 80 ha, cung cấp thức ăn cho đàn gia súc trên 9.800 con.
Bà Đinh Thị Bích, Chủ tịch UBND xã Song Pe, cho biết: Xã thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn, kỹ thuật chăn nuôi và các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư mở rộng diện tích trồng cỏ, xây dựng chuồng trại kiên cố phát triển đàn gia súc. Qua đó, giúp nông dân có thu nhập ổn định.
Là một trong những hộ tiêu biểu của xã Song Pe phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò theo hướng nhốt chuồng, gia đình ông Hà Văn Quang, bản Suối Song luôn duy trì đàn từ 36 con trở lên; mỗi năm gia đình ông xuất bán hơn 10 con bò, thu nhập trên 130 triệu đồng. Ông Quang cho biết: Năm 2014, gia đình tôi đã chuyển đổi gần 1 ha đất trồng ngô sang trồng cỏ voi và đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi bò. Việc nuôi nhốt có nhiều cái lợi, không mất công chăn thả, luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh và thức ăn, nên đàn gia súc khỏe mạnh, sinh sản nhanh, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.
Còn tại xã Mường Khoa, gia đình anh Lừ Văn Hoàng, bản Trạng, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do Phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện tổ chức. Nhận thấy nhu cầu thị trường và việc chăn nuôi dê phù hợp điều kiện của gia đình, anh mạnh dạn vay vốn, xây dựng chuồng trại nuôi dê. Đến nay, đàn dê duy trì hơn 70 con dê, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu.
Anh Hoàng chia sẻ: So với các loại vật nuôi khác, nuôi dê chi phí đầu tư ban đầu ít, không tốn nhiều tiền mua thức ăn, khả năng kháng bệnh cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt. Một năm, dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 1-3 con; giá thịt dê thương phẩm tương đối ổn định, nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn. Cùng với đó, chủ động nguồn thức ăn ổn định cho đàn dê, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng cỏ voi, trồng thêm ngô, sắn làm thức ăn dự trữ cho đàn dê về mùa khô.
Để tăng số lượng đàn, cũng như chất lượng đàn vật nuôi, huyện Bắc Yên tập trung tuyên truyền vận động các hộ nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng cỏ chăn nuôi; hướng dẫn phòng chống đói, rét, dự trữ, sơ chế, chế biến thức ăn cho vật nuôi. Tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin, phun khử trùng tiêu độc đạt 100% so với chỉ tiêu giao.
Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, cho biết: UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi; mở các lớp tập huấn phổ biến, bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi cho nông dân. Tăng cường quản lý việc sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, đảm bảo yêu cầu về chất lượng giống cũng như đáp ứng quy chuẩn, quy định pháp luật. Đến nay, toàn huyện trồng trên 1.000 ha cỏ phục vụ chăn nuôi, đưa đàn gia súc đạt 81.240 con, từng bước nâng cao thu nhập từ phát triển chăn nuôi.
Huyện Bắc Yên phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn gia súc của huyện đạt trên 100.000 con; nâng cao chất lượng, hiệu quả chăn nuôi bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật; mở rộng diện tích trồng cỏ, thực hiện phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi; giúp người dân vùng cao nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!