Bài 1: “ Chìa khóa” để phát triển kinh tế
Kinh tế nông thôn phát triển khi HTX tích cực hỗ trợ người dân làm tốt từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản thông qua các dịch vụ cung ứng đầu vào và đầu ra, giúp giải bài toán được mùa, mất giá.
Thực tế đã chứng minh, nếu không có sự tham gia của HTX, sản xuất sẽ gặp không ít khó khăn. Thời gian gần đây vai trò của các HTX ngày càng được nâng cao trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn. Bằng việc cung ứng các dịch vụ nông nghiệp giúp bà con yên tâm sản xuất, cũng như giúp người dân và doanh nghiệp tìm thấy nhau...
Còn nhiều khó khăn
HTX trồng cam Văn Yên, xã Mường Thải (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) sở hữu 15ha cây ăn quả gồm cam vinh, cam đường canh, bưởi da xanh, bưởi diễn, sản lượng đạt hơn 200 tấn quả/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, HTX gần như ngừng hoạt động do gặp khó khăn về “đầu ra” và vốn quay vòng sản xuất. Giám đốc HTX trồng cam Văn Yên Nguyễn Văn Ngân chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu..., việc vận chuyển hàng hóa trong và ngoài tỉnh gặp khó khăn, hàng tồn đọng nhiều, HTX không thể thu hồi vốn, kéo theo sự đổ vỡ chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân và HTX.
Thiếu một chiến lược sản xuất, nguồn vốn để đầu tư cũng là điểm yếu của nhiều HTX nông nghiệp hiện nay. Có mặt tại HTX nông nghiệp Phú Ngãi, xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tận mắt chứng kiến khu nhà xưởng của HTX, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn và sự khát vốn cho đầu tư ở một đơn vị được xem là ăn nên làm ra của địa phương.
Từng là một đơn vị sản xuất lúa, rau màu và cung ứng dịch vụ nông nghiệp như: phân bón, kinh doanh máy cấy… nhưng lại thiếu vốn để đầu tư các loại máy: xới, gặt, cuộn rơm, sấy... Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Ngãi Mai Văn Kháng cho biết: “HTX chỉ có vốn điều lệ 530 triệu đồng, nên không thể đầu tư mua sắm các loại máy móc khác để làm trọn gói các khâu dịch vụ”.
Thực tế đã chứng minh, HTX chính là một mắt xích quan trọng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nhưng nếu không có một chiến lược phát triển bài bản, chắc chắn các HTX sẽ không thể tiến xa và càng không thể thích ứng được với những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe của nền kinh tế thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không có cơ hội nhận chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư vào HTX nói riêng, nông nghiệp, nông thôn nói chung.
Sát cánh, hỗ trợ nông dân
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2022, cả nước có khoảng 19.500 HTX nông nghiệp. Trong đó, số HTX hoạt động hiệu quả đang ngày càng tăng do đã thích ứng được với những điều kiện khắt khe của kinh tế thị trường. Bên cạnh sự nhanh nhạy trong thay đổi tư duy sản xuất, tận dụng tối đa những lợi thế vùng miền, HTX còn làm tốt dịch vụ hậu cần, giữ thế chủ động trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, từng bước tạo thế mạnh về kinh tế cho HTX và xã viên.
Hợp tác xã nông nghiệp Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre thu gom nông sản của thành viên. |
Ghi nhận tại HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phong, thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), nơi đang hỗ trợ sản xuất rất tốt cho người dân mới thấy vai trò quan trọng của HTX trong việc khắc phục tình trạng thiếu nhân lực và bỏ hoang đất sản xuất. Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phong Lê Văn Luân cho biết: HTX chúng tôi phục vụ cho 6 tổ sản xuất cho thị trấn Tân Thanh, về mô hình mạ khay máy cấy, chúng tôi thành lập từ năm 2022, hiệu quả rất thực tế đã giảm được tình trạng cỏ ma, đặc biệt, chỉ với 40 phút một máy cấy đã hoàn thành được một mẫu ruộng, giảm đáng kể ngày công cho người lao động, rất phù hợp với tình trạng thiếu lao động làm nông nghiệp như hiện nay, hạn chế tình trạng người dân bỏ ruộng hoang.
HTX nông nghiệp Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cũng được biết đến là đơn vị điển hình của địa phương thực hiện rất tốt việc thu gom nông sản của nông dân. Hiện HTX đang sở hữu 150ha dừa hữu cơ và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm từ dừa và các nguyên liệu đầu vào với các hộ dân trong vùng. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Thới Thạnh Trần Quốc Ửng cho biết: “Quy trình canh tác dừa hữu cơ của công ty được kiểm soát chặt chẽ bởi chuyên gia người nước ngoài do đối tác là Công ty dừa Lương Quới thuê nên luôn bảo đảm chất lượng để xuất khẩu và giá thu mua luôn cao hơn giá thị trường khoảng 20%.
Ngoài thu mua dừa thành phẩm, HTX còn ký hợp đồng liên kết đầu vào với công ty phân bón hữu cơ tại tỉnh Bình Định, công ty thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại TP Hồ Chí Minh để cung ứng cho thành viên với giá gốc của công ty nên thành viên HTX và người dân rất yên tâm sản xuất. Nông dân Phạm Văn Hà là thành viên HTX, chủ của 1,7ha dừa đạt chuẩn hữu cơ cho biết: “ Ba năm nay, đầu vào, đầu ra sản phẩm quả dừa rất ổn định do được HTX bao tiêu. Hiện nay, người dân sử dụng phân hữu cơ với giá gốc tại công ty và được cán bộ chuyên môn tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ tại nhà để sử dụng cho nên rất yên tâm sản xuất”.
Thời gian gần đây, vai trò của các HTX ngày càng được nâng cao trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn. Bằng việc cung ứng các dịch vụ nông nghiệp giúp bà con yên tâm sản xuất, cũng như giúp người dân và doanh nghiệp tìm thấy nhau...
Hiện tại, HTX giải quyết việc làm cho 30 lao động là thành viên HTX và người dân tại địa phương. Bà Trần Ngọc Phấn, 56 tuổi (ngụ tại địa phương) cho biết, từ khi HTX nhận làm gia công dừa cho công ty nên tôi và nhiều người dân ở đây có việc làm ổn định với tiền công khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Tôi rất phấn khởi và hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Sát cánh cùng xã viên, tổ chức chặt chẽ hoạt động sản xuất, tham gia trực tiếp từ khâu đầu đến khâu cuối của sản phẩm cũng là thế mạnh của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng (Sunfood Dalat CO.OP). Hiện, HTX đang sở hữu 220 ha trồng rau đạt chuẩn VietGAP. Bình quân mỗi ngày HTX cung ứng hơn 10 tấn nông sản tới 600 cửa hàng, siêu thị, điểm liên kết, doanh nghiệp hợp tác tại 36 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra HTX cung cấp cây giống, phân bón, quy trình sản xuất khép kín cho các thành viên và các hộ nông dân liên kết trên địa bàn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt Phạm Ngọc Thạch cho biết, HTX tiêu thụ được khối lượng sản phẩm lớn và ổn định như vậy là nhờ thực hiện tốt khâu quảng bá, khẳng định chất lượng, kết nối bao tiêu sản phẩm với 31 HTX, 10 công ty và hàng chục nông hộ trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, Sunfood Đà Lạt CO.OP đặt mục tiêu mở rộng liên kết sản xuất, đa dạng mặt hàng nông sản trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước để đạt được từ 2.000 đến 5.000 sản phẩm trong khoảng hai năm tới.
Những thành công của các HTX cho thấy năng lực của các HTX đã được nâng lên. Từ đó tăng năng lực kinh tế của từng thành viên trong HTX, người dân địa phương góp phần thực hiện thành công tiêu chí thứ 13 về thu nhập trong xây dựng NTM.
(Còn nữa)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!