Trước đây, nhân dân xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, chủ yếu trồng ngô, sắn, năng suất thấp, đời sống bà con còn khó khăn. Những năm gần đây, UBND xã đã chỉ đạo Ban quản lý các bản, vận dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó đã nhân rộng các mô hình kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập của các hộ gia đình.
Ông Bạc Cầm Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Sơ, cho biết: Hiện nay, Hội có 806 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 19 chi hội. Hội vận động hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết thành lập HTX. Đồng thời, chỉ đạo các chi hội tổ chức cho hội viên đăng ký thi đua hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên; tham gia các gian hàng trưng bày của huyện để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chuyển giao kỹ thuật cho hơn 2.000 lượt người. Tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp 191 hộ vay vốn, tổng dư nợ trên 7,4 tỷ đồng. Giải ngân 600 triệu đồng “Quỹ hỗ trợ nông dân” cho 15 hộ vay thực hiện dự án trồng bí đao, rau củ, quả... Giới thiệu 2 cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp có uy tín trên địa bàn huyện để cán bộ, hội viên có nhu cầu liên hệ.
Trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình kinh tế hộ, trang trại tổng hợp, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ, liên kết theo chuỗi giá trị. Trong đó, trồng cây ăn quả ở các bản Nà Lốc II, Nà Cần II, Cần Tọ. Trồng cây ăn quả, kết hợp nuôi lợn ở bản Pe Tiến. Chăn nuôi trâu, bò ở Nà Lốc II... Hội còn phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, các đoàn thể xã giúp đỡ trên 80 hộ nông dân thoát nghèo.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của anh Lò Văn Nguyên, Chi hội nông dân bản Nà Lốc II. Anh Nguyên chia sẻ: Gia đình có hơn 2 ha đất, chủ yếu là trồng sắn, ngô. Năm 2015, tôi đã chuyển sang trồng nhãn miền thiết và xoài Đài Loan. Để liên kết sản xuất, năm 2017, tôi vận động 6 hộ trong bản thành lập HTX cây ăn quả vườn đồi Nà Lốc II, với 30 ha cây ăn quả các loại. Nâng cao chất lượng sản phẩm, các thành viên đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Đến nay, HTX có 15 ha nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP; thu nhập bình quân đạt 300 triệu đồng/thành viên/năm.
Ông Lê Thanh Nghị, hội viên Chi hội nông dân bản Tân Tiến lại thành công với mô hình nuôi lợn theo hướng trang trại kết hợp trồng cây ăn quả. Ông Nghị nói: Tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Chất thải từ nuôi lợn được sử dụng bón cho cây nhãn ghép, nên năm nào cây cũng sai quả. Mỗi năm, gia đình xuất bán từ 10-12 tấn lợn thương phẩm, 10-12 tấn quả nhãn tươi, thu trên 200 triệu đồng. Năm 2022, gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội Nông dân xã Chiềng Sơ đã hỗ trợ tích cực cho hội viên nông dân giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Hiện nay, Hội đang tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp; hỗ trợ giống, vốn cho nông dân mở rộng sản xuất. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Tổ chức cho hội viên đi tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế ở các địa phương khác để áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!