Những năm qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Vân Hồ đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giúp hàng nghìn lượt hội viên, phụ nữ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Đến vùng trồng rau tập trung của HTX rau an toàn Vân Hồ, chúng tôi nhận thấy có nhiều loại rau, củ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trong hệ thống nhà lưới. Bà Đinh Thị Xoa, Giám đốc HTX, cho biết: Được Hội LHPN huyện Vân Hồ vận động, tháng 4/2016, HTX được thành lập. Hiện nay, HTX có 19 thành viên, chủ yếu là hội viên phụ nữ xã Vân Hồ, sản xuất hơn 8 ha rau an toàn. Tính riêng năm 2022, HTX đã bán trên 230 tấn rau ra thị trường trong tỉnh và Hà Nội, doanh thu gần 2 tỷ đồng.
Tháng 5/2020, HTX sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha ở bản Tưn được thành lập, do chị Lò Thị Nguyễn làm Giám đốc. HTX đang tạo việc làm ổn định cho 9 thành viên và 10 lao động địa phương là hội viên phụ nữ, thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, sản phẩm măng hốc muối chua của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhờ sự kết nối, khai thác nguồn lực của hội phụ nữ các cấp, HTX đã được Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch (Dự án GREAT) hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; liên kết tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hơn 600 triệu đồng xây dựng nhà sấy năng lượng mặt trời 100 m², nhà xưởng 400 m² và máy tính, máy đóng đai, thùng đựng măng, bàn inox.
Chị Hà Thị Tuyến, bản Tưn, xã Xuân Nha, cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 2,5 ha tre nứa các loại, trong đó hơn 1.300 gốc măng tre Bát Độ. Trước đây, khi chưa thành lập HTX chúng tôi phải đợi thương lái đến thu mua, giá cả bấp bênh. Hiện nay, sản phẩm được HTX thu mua với giá ổn định. Năm 2022, thông qua HTX tôi đã bán cho thương lái hơn 30 tấn măng, trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Hội LHPN huyện Vân Hồ có gần 10.000 hội viên, phần lớn đều sản xuất nông nghiệp. Thực hiện hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình tiến tới giảm nghèo bền vững, các cấp hội đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên để hỗ trợ phù hợp. Những hội viên thiếu vốn thì tạo điều kiện vay vốn; người chưa có việc làm thì giúp đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp, tập huấn, hướng dẫn triển khai các mô hình kinh tế.
Bà Hà Thị Thân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Hồ, cho biết: Hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho trên 2.100 hội viên vay vốn, tổng dư nợ trên 118 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì 6 tổ vay vốn theo chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở triển khai mô hình phụ nữ tiết kiệm theo lời Bác, toàn huyện có trên 5.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm, với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng, giúp 725 gia đình hội viên khó khăn vay phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện khuyến khích hội viên đưa các loại cây trồng mới, hiệu quả vào sản xuất. Năm 2022, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các xã tuyên truyền, vận động hội viên các xã Vân Hồ, Quang Minh, Liên Hòa, Suối Bàng chuyển đổi hơn 30 ha đất trồng ngô, lúa năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Hội phụ nữ xã Tô Múa, Chiềng Khoa, Chiềng Yên vận động hơn 50 hội viên tham gia trồng chè theo hướng hữu cơ... Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cho 60 người là đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Từ việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của hội viên phụ nữ Vân Hồ cho thấy tinh thần hăng say lao động, vượt lên khó khăn để phát triển kinh tế hiệu quả, khẳng định vị thế của phụ nữ, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!