Hoàn thiện quy trình nhân giống lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô in vitro là đề tài khoa học cấp cơ sở do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thực hiện tại Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông lâm nghiệp. Đề tài đã góp phần bảo tồn nguồn gen quý, thêm cơ hội phát triển mô hình trồng lan kim tuyến thương phẩm cho giá trị kinh tế cao.
Lan kim tuyến có tên khoa học là Anoectochilus Blume. Hiện nay, các nhà khoa học đã thống kê được 51 loài lan kim tuyến trên thế giới, riêng khu vực châu Á và châu Úc đã phát hiện 25 loài. Tại Việt Nam, lan kim tuyến phân bố tự nhiên tại các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Sơn La. Loài lan này sống trên các triền núi, dọc theo khe suối, dưới các tán cây to trong rừng ẩm ở độ cao 500 m-1.600 m.
Anh Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đơn vị chủ trì đề tài, chia sẻ: Nhiệm vụ đặt ra cho nhóm thực hiện đề tài trong vòng 18 tháng sẽ hoàn thiện quy trình nhân giống in vitro, là công nghệ nuôi cấy mô, tế bào và các cơ quan hoàn toàn sạch các vi sinh vật trên môi trường dinh dưỡng nhân tạo, trong điều kiện vô trùng để nhân giống thành công 10.000 cây lan kim tuyến, trong đó, lựa chọn 7.200 cây đồng đều, khỏe mạnh đưa ra vườn ươm thực hiện thí nghiệm trong nhà kính có lưới cắt nắng tìm ra giá thể trồng cây lan kim tuyến phù hợp nhất. Góp phần vào bảo tồn cây lan kim tuyến đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Y học hiện đại đã chứng minh nhiều tác dụng quý của lan kim tuyến như tác dụng giảm đường huyết, điều trị ung thư, chống suy nhược thần kinh, giúp tăng cường sức khỏe, làm khí huyết lưu thông, có tính kháng khuẩn... Do số lượng ít, mọc rải rác và bị khai thác tận thu và ngày càng khan hiếm. Vì vậy, lan kim tuyến đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 2007 theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, xếp hạng EN A1a,c,d và bị cấm khai thác sử dụng mục đích thương mại.
Từ thực tế đặt ra, năm 2021, Thạc sĩ Trần Thế Anh, cán bộ Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã đề xuất và được Sở Khoa học và Công nghệ chấp thuận cho triển khai, thực hiện Đề tài hoàn thiện quy trình nhân giống lan kim tuyến (Anoectochilus cetaceu Blume) bằng phương pháp nuôi cấy mô in vitro tại tỉnh Sơn La. Đề tài có thời gian thực hiện 20 tháng bắt đầu từ tháng 10/2021 đến tháng 5/2023, với tổng kinh phí 528 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Chia sẻ lý do thực hiện đề tài, Thạc sĩ Trần Thế Anh, cho biết: Đề tài được thực hiện trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của một số mô hình nghiên cứu về lan kim tuyến do các nhà khoa học đã thực hiện từ trước. Tuy nhiên, trong giai đoạn đưa ra vườn ươm, cây con có tỷ lệ sống rất thấp, nên việc nuôi trồng lan kim tuyến nhân tạo gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nhóm đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống lan kim tuyến và huấn luyện cây giống trong nhà lưới và lựa chọn giá thể thích hợp để lan kim tuyến phát triển.
Sau hơn 18 tháng thực hiện, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo mục tiêu và kế hoạch đề ra. Ngoài hoàn thiện quy trình nhân giống nuôi cấy mô in vitro lan kim tuyến, nhóm nghiên cứu đã nhân giống thành công 10.000 cây lan kim tuyến và đưa ra vườn ươm thực hiện thí nghiệm trong nhà kính có lưới cắt nắng tìm ra giá thể trồng cây lan kim tuyến phù hợp. Hiện nay, cây sinh trưởng, phát triển tốt, mở ra triển vọng cây trồng mới cho nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Dân, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần dược Lam Sơn, cho biết: Lan kim tuyến là một trong những cây dược liệu quý, nhu cầu thị trường về loại cây này rất lớn và giá trị rất cao. Công ty đang triển khai các bước đề xuất với tỉnh xây dựng khu bảo tồn các loài dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Sơn La. Khu bảo tồn sẽ trồng nhiều loại cây dược liệu bản địa, trong đó có lan kim tuyến. Công ty đã thực hiện khảo sát địa điểm trên địa bàn huyện Mường La, Thuận Châu và Quỳnh Nhai. Khi đề tài thành công chúng tôi sẽ tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật để nhân giống trồng lan kim tuyến và Công ty sẽ liên kết thu mua toàn sản phẩm đối với các doanh nghiệp, HTX trồng lan kim tuyến theo quy trình kỹ thuật được chuyển giao.
Sau khi Đề tài được Hội đồng khoa học nghiệm thu, sẽ chuyển giao cho nhân dân và các doanh nghiệp để phát triển trồng lan kim tuyến thương phẩm, góp phần bảo tồn và cho mô hình hiệu quả kinh tế cao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!