Nghề lái thuyền chở khách trên sông Đà

Dòng sông Đà xưa vốn hung dữ, nhiều tác ghềnh, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Nhưng từ khi có bàn tay trị thủy của con người, những công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu được ngăn dòng tạo nên những vùng hồ rộng lớn, vừa điều tiết nước cho hạ du, vừa thuận lợi cho phát triển vận tải đường thủy. Cũng như các vùng dọc con sông Đà, nhân dân các xã ven sông của huyện Bắc Yên từ Chiềng Sại lên đến Pắc Ngà có thể đi lại thuận tiện để trao đổi giao thương hàng hóa. Và cũng từ đó nghề lái đò chở khách trên dòng vùng hồ đã hình thành tạo nên nét mới ở mỗi bến thuyền.

 

 

Người dân bốc xếp hàng lên thuyền tại bến thuyền bản Pe, xã Song Pe (Bắc Yên).

 

Trong chuyến công tác khai bút đầu xuân chúng tôi có dịp về bến thuyền Song Pe nằm ngay dưới chân cầu Tạ Khoa. Từ đây có thể đi đường bộ đến xã Tạ Khoa, nhưng chúng tôi đã chọn đi bằng đường thủy. Giữa sóng nước mênh mông, chúng tôi nhận thấy những chiếc thuyền tấp nập ngược xuôi. Trong hành trình khoảng nửa tiếng đồng hồ trên sông, chúng tôi đã trò chuyện với ông Đinh Văn Việt, bản Tăng (xã Chiềng Sại), người đã hơn 10 năm lái thuyền chở khách trên sông. Ông Việt nhẩm tính: Mỗi ngày có 4 lượt thuyền chở khách xuất bến từ xã Chiềng Sại về Song Pe dưới chân cầu Tạ Khoa. Ngoài ra, còn thuyền từ bến khác tại các bản ven sông chở khách hoặc vận chuyển nông sản, hàng hóa.

 

Theo ông Việt, đối với nghề lái thuyền chở khách, việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, trước khi xuất bến khoảng 30 phút, các lái thuyền đều phải kiểm tra bình nhiên liệu, động cơ, hệ thống bánh lái và khoang máy bơm nước… Đồng thời, đảm bảo có đủ số lượng áo phao cho hành khách, cùng với khoảng 15-20 chiếc phao cứu sinh để đề phòng bất trắc xảy ra. Trước khi nổ máy khởi hành, lái thuyền phát áo phao cho khách và đề nghị họ phải mặc áo phao; không để khách ngồi trên lan can. Vì đi trên sông có nhiều tình huống diễn ra bất ngờ không thể lường trước được, do đó mặc áo phao là cách để đảm bảo an toàn cho khách đi thuyền.

 

Chúng tôi về đến bến Song Pe mới chỉ đầu giờ chiều. Lúc này tại bến có khá nhiều người dân đang bốc, xếp hàng từ thuyền lên bờ, hoặc chuyển hàng xuống thuyền để vận chuyển về các xã. Được biết, ngoài nhận chở khách, một số lái thuyền còn làm thêm công việc vận chuyển nông sản, hàng hóa thuê cho người dân từ các xã về chân cầu Tạ Khoa. Hỏi chuyện chủ thuyền Vì Văn Ởng, bản Pắc Ngà (xã Pắc Ngà) về nghề lái thuyền, ông Ởng chia sẻ: Tôi đã làm nghề lái thuyền được khoảng 15 năm. Khi mới vào nghề, ở Bắc Yên chưa tổ chức dạy nghề lái thuyền, chúng tôi đã xuống bến phà Vạn Yên (Phù Yên) để học khoảng 2 tháng. Sau đó, vay 150 triệu đồng của ngân hàng để thuê đóng thuyền chở khách thuê. Mặc dù đã nhiều năm lái thuyền trên đoạn sông từ bến thuyền Song Pe về xã Pắc Ngà, nhưng không chỉ tôi mà các lái thuyền khác vẫn gặp nhiều khó khăn khi nước sông xuống thấp. Nhất là những hôm gió mạnh, khi lái phải lựa mui thuyền theo dòng nước để tránh các đợt sóng lớn, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho hành khách trên thuyền. Trong mỗi chuyến đi, chúng tôi luôn thận trọng, tập trung để đảm bảo an toàn cho hành khách.

 

Theo ông Ởng, số lượng thuyền chở khách từ Song Pe về Pắc Ngà tương đối nhiều. Tính trung bình một tháng, mỗi lái thuyền sẽ chở khách 6 chuyến đi - về, lượng khách mỗi chuyến tùy thuộc vào nhu cầu đi lại trong từng thời gian. Thường mỗi lượt chở khách từ Pắc Ngà về Song Pe và ngược lại, sau khi trừ các loại chi phí, mỗi chủ thuyền thu được khoảng 1 triệu đồng 2 chiều đi - về. Như vậy, thu nhập bình quân của lái thuyền khoảng 6 triệu đồng/tháng. Từ khoản thu đó, chủ thuyền thường trích ra một phần để sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến đi. Bên cạnh đó, các lái thuyền mua lưới để sẵn trên thuyền, những ngày không có khách, họ sẽ đánh bắt cá trên sông, vừa phục vụ sinh hoạt của gia đình, vừa tăng thêm thu nhập.

 

Mỗi nghề có cái vất vả riêng; đặc biệt, với nghề lái thuyền chở khách trên sông liên quan trực tiếp đến tính mạng của hành khách, những người lái thuyền luôn xác định phải chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy, bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến xuất bến.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Trọn nghĩa, vẹn tình trên miền biên ải

    Trọn nghĩa, vẹn tình trên miền biên ải

    Quốc Phòng - An Ninh -
    Dọc theo những cung đường uốn lượn qua dãy núi phía Tây huyện Yên Châu, nơi bản làng giáp ranh đất bạn Lào còn ẩn trong sương sớm, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng On vẫn lặng thầm tuần tra giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, là điểm tựa vững chắc của đồng bào các dân tộc nơi vùng cao biên giới.
  • 'Những phóng viên mang quân hàm xanh

    Những phóng viên mang quân hàm xanh

    Xã hội -
    Trưởng thành trong quân ngũ, gắn bó với nghề làm báo, những phóng viên mang màu xanh áo lính thuộc Tổ chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới”, Ban Chỉ huy BĐBP, Bộ CHQS tỉnh đã mang đến cho công chúng những bài viết, thước phim thời sự về hoạt động của lực lượng biên phòng Sơn La trên mặt trận bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ an ninh quốc gia.
  • 'Nét đẹp văn hóa người Dao tiền

    Nét đẹp văn hóa người Dao tiền

    Văn hóa - Xã hội -
    Nằm trong Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, huyện Vân Hồ là vùng đất sinh sống của nhiều dân tộc, với những nét văn hóa đặc sắc, trong đó có cộng đồng người Dao tiền. Những nét đẹp truyền thống của người Dao tiền ở đây luôn được gìn giữ và tiếp nối qua các thế hệ.
  • 'Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Trung Quốc

    Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Trung Quốc

    Đối ngoại -
    Đêm 26-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên Các nhà tiên phong lần thứ 16 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và làm việc tại Trung Quốc.
  • 'Tạo diện mạo mới cho đô thị

    Tạo diện mạo mới cho đô thị

    Xã hội -
    Những ngày này, Dự án đầu tư xây dựng công trình Quảng trường, vườn hoa, tại khu vực phía trước Trụ sở Thành ủy, HĐND-UBND thành phố Sơn La đang bước vào giai đoạn tăng tốc, chủ đầu tư cùng đơn vị thi công đang dồn sức, quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ, góp phần mang lại diện mạo mới khang trang, hiện đại cho Thành phố.
  • 'Hoạt động thiện nguyện tiếp sức bệnh nhân nghèo

    Hoạt động thiện nguyện tiếp sức bệnh nhân nghèo

    Xã hội -
    Kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ các suất ăn; tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí, tặng quà cho bệnh nhân nghèo; ủng hộ chương trình “Xuân biên cương”; tổ chức gian hàng 0 đồng; chương trình “Nồi cháo bác ái”, “Hộp xôi nghĩa tình”, “Nồi cháo tình thương”... là những công việc thiện nguyện mà các cơ sở y tế trong tỉnh đang triển khai, tiếp sức cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện.