Trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có 52 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi thủy sản và nông nghiệp. Huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần gia tăng về sản lượng và giá trị nông sản, thủy sản của huyện, tạo việc làm và thu nhập cho các thành viên và nông dân.
Khai thác lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai đã phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản. Toàn huyện có 25 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản, với hơn 4.500 lồng cá, sản lượng nuôi và đánh bắt hơn 1.800 tấn/năm. Các HTX thủy sản tập trung chủ yếu ở xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn và Mường Giàng, thành viên chủ yếu là các gia đình nuôi cá lồng lâu năm liên kết nuôi, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của lòng hồ Quỳnh Nhai. Trong đó, riêng xã Chiềng Bằng có tới 12 HTX nuôi thủy sản, với trên 2.600 lồng cá, chiếm hơn 60% tổng số lồng cá và sản lượng thủy sản của huyện hằng năm.
Ông Lò Văn Bình, Giám đốc HTX thủy sản An Bình, xã Chiềng Bằng chia sẻ: Năm vừa qua, HTX đã đầu tư kho đông lạnh để chế biến thêm các sản phẩm cá, tôm cấp đông, phi lê cá lăng, cá tép dầu khô... Cuối năm 2023, HTX được huyện tư vấn, hỗ trợ lập hồ sơ và được công nhận sản phẩm cá sông Đà cấp đông là sản phẩm OCOP 3 sao, giúp HTX có điều kiện phát triển thêm các sản phẩm chế biến để đa dạng cung cấp cho thị trường.
Cùng với phát triển thủy sản, huyện Quỳnh Nhai tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là khuyến khích phát triển các HTX trồng cây ăn quả, mắc ca, dịch vụ nông nghiệp.
HTX Tú Châu, xã Chiềng Khoang, là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả, khai thác được thế mạnh từ các sản phẩm nông nghiệp địa phương và phát triển thêm các sản phẩm dược liệu mới được trồng và sản xuất ngay tại xã. Anh Lò Văn Học, Giám đốc HTX Tú Châu, chia sẻ: HTX liên kết với các hộ dân trên địa bàn trồng hơn 40 ha lúa nếp tan địa phương, hơn 10 ha sả và 30 ha dược liệu dưới tán rừng. Năm 2023, được huyện hướng dẫn, HTX đã tập hồ sơ và được công nhận lúa nếp tan Chiềng Khoang và tinh dầu xả Java là sản phẩm OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, HTX còn có hơn 20 sản phẩm khác, chủ yếu là các loại tinh dầu chiết xuất từ dược liệu trồng dưới tán rừng, như hương nhu, hoa ngũ sắc, màng tang, long não... Chúng tôi cũng được tạo điều kiện để đưa các sản phẩm giới thiệu và bán tại các gian hàng, hội chợ của huyện, tỉnh và các hội chợ thương mại trên toàn quốc, giúp quảng bá rộng rãi sản phẩm của HTX, tăng doanh số bán hàng.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX. Đồng thời, khuyến khích việc đa dạng các sản phẩm thế mạnh của từng địa phương, đầu tư xưởng sản xuất, kho đông lạnh chế biến sản phẩm thủy sản cấp đông, chả cá, xúc xích cá... Năm 2023, huyện đã triển khai chương trình hỗ trợ các HTX với nguồn kinh phí trên 200 triệu đồng để xây dựng phần mềm hỗ trợ HTX, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tư vấn, hướng dẫn lập hồ sơ, công nhận mới các sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, đa số các HTX trên địa bàn huyện đều có quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng nên gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ. Bà Điêu Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Phòng tích cực trong tuyên truyền, hướng dẫn các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh duy trì tốt các mô hình, sản phẩm đang có triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các sản phẩm đặc trưng để nâng cao khả năng cạnh tranh. Năm 2023, huyện đã xây dựng 3 sản phẩm OCOP là cá sông Đà cấp đông, gạo nếp tan Chiềng Khoang và tinh dầu xả Java.
Phát triển HTX và các mô hình liên kết sản xuất ở huyện Quỳnh Nhai đã mang lại hiệu quả kinh tế. Huyện đang tiếp tục thực hiện tốt chính sách, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, tạo động lực để các HTX phát triển bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!