Mở rộng vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ, chế biến nông sản

Những năm gần đây, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản, liên kết xây dựng các vùng nguyên liệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.

Nông dân xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn liên kết trồng ngô ngọt cho Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La.

 Hiện nay, huyện Mai Sơn có 6 công ty chế biến cà phê, mía, sắn, hoa quả quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ lẻ đang hoạt động, mỗi năm thu mua khoảng 700.000 tấn nông sản các loại cho nông dân. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện đã thành lập Tổ công tác phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản của huyện; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng nông dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Đồng thời, tham mưu cho huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các xã, thị trấn rà soát diện tích đất có thể phát triển mở rộng vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, huyện tổ chức các hội nghị bàn giải pháp phát triển một số cây trồng chủ lực trên địa bàn, gồm: Cà phê, mắc ca, sắn, xoài, nhãn, ngô, na và dâu tây, có sự tham gia của các doanh nghiệp và HTX. Trong quá trình liên kết, người sản xuất tuân thủ nghiêm kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn của nhà máy chế biến. Doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản ký kết và cam kết thu mua sản phẩm theo giá đã công bố. Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp.

Mới đi vào hoạt động năm 2023, Công ty cổ phần Chế biến cà phê Sơn La đã thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân. Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty, cho biết: Đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy, Công ty đã liên kết sản xuất 368 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao với 684 hộ ở 8 bản của xã Chiềng Chung và Chiềng Ban, sản lượng niên vụ 2023-2024 khoảng 6.000 tấn. Đồng thời, phối hợp triển khai liên kết sản xuất cây cà phê trên địa bàn huyện theo hướng bền vững, khép kín thông qua các HTX.

Còn bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, thông tin: Trong tổng số 843 ha nguyên liệu cung cấp cho nhà máy trên địa bàn huyện Mai Sơn, đơn vị đã ký kết hợp đồng với 14 doanh nghiệp, HTX, với tổng diện tích 424 ha. Liên kết sản xuất, Công ty cam kết cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá ưu đãi, hoặc ứng trước và khấu trừ vào sản phẩm khi thu hoạch. Đồng thời, cử cán bộ đến tận nơi hướng dẫn quy trình sản xuất và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm đủ tiêu chuẩn theo giá được ký kết trong hợp đồng.

Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung là đơn vị liên kết cung cấp sản phẩm ngô ngọt cho Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Công ty ký hợp đồng liên kết với gần 200 hộ, sản xuất hơn 50 ha ngô ngọt, rau chân vịt cung cấp nguyên liệu cho Doveco Sơn La. Qua 3 năm hợp tác sản xuất, Công ty đã cung cấp 5.000 tấn ngô ngọt phục vụ chế biến. Năm 2024, Công ty tiếp tục liên kết sản xuất mở rộng diện tích ngô ngọt và rau chân vịt, góp phần nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp huyện Mai Sơn chuyển dịch đúng định hướng, tăng giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác. Huyện đang tiếp tục vận động nông dân, các HTX liên kết, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi an toàn đối với các nông sản chế biến khác; áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ, chế biến.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới