Mạnh mẽ hơn trong cải cách môi trường kinh doanh

Theo số liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong năm 2023, lần đầu số doanh nghiệp thành lập mới chạm mức kỷ lục gần 160 nghìn, tăng 7,2% so với năm 2022. Con số này thật sự ấn tượng, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.

Trong khi đó, có 85.616 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Điều này cho thấy niềm tin vào môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đã tăng lên khi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó” phát huy hiệu quả.

Tuy số doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng số rời bỏ thị trường cũng chiếm hơn một nửa, cho thấy những khó khăn còn nhiều và môi trường kinh doanh cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn.

Chính vì vậy, ngay đầu tháng 1/2024, Nghị quyết 02/NQ-CP (ngày 5/1/2024) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 đã được Chính phủ ban hành. Nghị quyết này được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những nút thắt trong môi trường đầu tư kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp phát triển bứt phá.

Mục tiêu của nghị quyết nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia kinh tế và đông đảo lực lượng doanh nghiệp đã tán thành việc tách Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh sau một năm gộp vào Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 về điều hành kinh tế-xã hội.

Nghị quyết 02/NQ-CP đã hướng đến đúng những điểm nghẽn cần tháo gỡ của nền kinh tế, đưa ra các nhiệm vụ cụ thể và thường xuyên để tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi công vụ. Bởi thực tế, trong năm 2023 vừa qua, tốc độ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đang có dấu hiệu chậm lại do tác động từ những khó khăn, thách thức chung của nền kinh tế toàn cầu.

 

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra những điểm nghẽn của môi trường kinh doanh của Việt Nam, như: còn nhiều rào cản đối với doanh nghiệp; chi phí không chính thức còn cao; còn hiện tượng thanh tra trùng lặp, chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp; thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn rườm rà,...

Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Do đó, yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt cắt bỏ rào cản... được xem là những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Để làm được điều này, từ Chính phủ tới các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, thường xuyên đối thoại, trao đổi, nắm rõ những điểm nghẽn từ phản ánh của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ. Đặc biệt, phải đề cao vai trò của người đứng đầu trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, coi doanh nghiệp là trung tâm cải cách để việc cải cách đi vào thực chất.

Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm thuế VAT, giãn, hoãn các loại thuế phí, giảm lãi suất cho vay cần tiếp tục duy trì, thậm chí bổ sung thêm chính sách hỗ trợ mới. Đây là việc làm cần thiết và cần làm ngay để tạo “bệ đỡ” cho doanh nghiệp khi thị trường đang có những tín hiệu phục hồi, cũng như giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có được một môi trường kinh doanh an toàn, bền vững.

Nếu không tiếp tục cải cách hoặc cải cách không đủ mạnh thì khiến doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khó khăn, làm giảm bớt niềm tin, khí thế kinh doanh, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã đề ra.

Theo NDĐT
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới