Với 884 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao 34,92%, Đảng ủy, UBND xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện lựa chọn xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập để sớm thoát nghèo cho nhân dân.
Ông Lò Văn Bỉnh, Chủ tịch UBND xã Bản Lầm, thông tin: Căn cứ thực tiễn, xã xây dựng các phương án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo và giao chỉ tiêu cụ thể cho các bản. Tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình VietGAP.
Trước đây, người dân xã Bản Lầm chỉ trồng lúa, ngô, đến nay các hộ dân đã đưa những cây trồng chất lượng cao, như cà phê, mận hậu, xoài... vào trồng. Tạo động lực trong phát triển kinh tế, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh phong trào thi đua: “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Thanh niên lập thân lập nghiệp”... thu hút hội viên, đoàn viên tham gia. Đồng thời, nhận ủy thác với các tổ chức tín dụng cho hội viên, đoàn viên vay, với tổng dư nợ hơn 37 tỷ đồng.
Đến nay, xã có 1.077 ha cây cà phê, trong đó 900 ha cho thu hoạch; 127 ha cây ăn quả các loại; duy trì trên 12 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản; chăm sóc trên 1.400 con trâu, bò, 1.158 con lợn và 12.000 con gia cầm. Ngoài ra, bà con còn trồng 24 ha cỏ VA06 để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Từ sự nỗ lực về mọi mặt, năm 2023, xã Bản Lầm có 64 hộ thoát nghèo.
Chúng tôi tới thăm mô hình chăn nuôi gia súc của ông Lò Văn Sương, bản Buống Khoang. Ông Sương chia sẻ: Sau khi đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài xã, năm 2017, tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư xây dựng chuồng trại và mua thêm bò về nuôi. Quá trình chăn nuôi, được cán bộ thú y xã hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Đến nay, gia đình có 20 con bò; chăm sóc 2 ha cây cà phê trồng xen canh cây mận hậu; mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Bản Pùa có 233 hộ dân, thu nhập của bà con chủ yếu từ lúa ruộng và sắn. Những năm gần đây, nhân dân trong bản đã chuyển đổi diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cà phê; phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, như: Chăn nuôi bò, gia cầm, trồng cà phê của gia đình anh Quàng Văn Diên; nuôi lợn thịt, trồng cà phê và mận hậu, sơn tra của ông Quàng Văn Thong, có thu nhập gần 300 triệu đồng/năm; nuôi ong, trồng cà phê của ông Cà Văn Sương, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm...
Ông Lường Văn Định, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pùa, cho hay: Ban quản lý bản tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện thực tế. Bà con rất mong tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tham gia các lớp tập huấn để có thêm kinh nghiệm trong sản xuất.
Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, hệ thống điện, đường, trường, trạm ở Bản Lầm được xây dựng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay, tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản đều đi được 4 mùa; 100% bản đã được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường... Qua rà soát, đánh giá, xã Bản Lầm đạt 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 27%, xã Bản Lầm đang tập trung nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ của nhân dân; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước thoát nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!