Khơi thông tiềm năng, nguồn lực trong thu hút đầu tư

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, số dự án quy mô lớn đã tăng, tập trung vào các ngành lĩnh vực theo đúng định hướng, mục tiêu thu hút đầu tư của nghị quyết. Đặc biệt, đã Khơi thông tiềm năng, nguồn lực, đổi mới quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư, chuyển từ "tỉnh có" sang "nhà đầu tư cần"; ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm với phương châm "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Nghị quyết số 07-NQ/TU đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, Sơn La huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 120.000 tỷ đồng, bình quân 24.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách phấn đấu tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm thu hút đầu tư 50-60 dự án; phấn đấu tổng vốn đăng ký vào KCN đạt khoảng 6.800 tỷ đồng trong cả giai đoạn (2021-2025), thu ngân sách cả kỳ đạt trên 650 tỷ đồng; thu hút 1-2 dự án đầu tư nước ngoài.

Cục Thuế tỉnh đối thoại với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khánh.
(Ảnh PV)

Cụ thể hóa nghị quyết, UBND tỉnh thành lập các tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư; chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, Thành phố thường xuyên đăng danh mục thu hút đầu tư, danh mục tài trợ quy hoạch, tiềm năng thế mạnh của các địa phương; công khai các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Năm 2022, tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 88/110 kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến việc xử lý tài sản trên đất, bổ sung quy hoạch, đăng ký biến động quyền thuê đất, xác định vị trí đất, đền bù, giải phóng mặt bằng…

Ký cam kết giữa các chủ đầu tư khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện quản lý lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố phối hợp hỗ trợ, giới thiệu nhà đầu tư tìm hiểu các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, tìm hiểu, đề xuất thực hiện các dự án tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, khu công nghiệp (KCN), các cụm công nghiệp (CCN). Năm 2022, tỉnh còn tổ chức 9 chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố; phối hợp xây dựng kế hoạch tái bản bản đồ và 83 sản phẩm OCOP; tổng hợp các điểm du lịch mới 12 huyện, thành phố để phục vụ Kế hoạch tái bản bản đồ Sơn La.

Dự án công nghiệp, dịch vụ quy mô lớn chiếm ưu thế

Thông tin về kết quả thu hút đầu tư trong 2 năm 2021-2022, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, nên hoạt động đầu tư có xu hướng sụt giảm. Toàn tỉnh cấp mới 41 dự án, với số vốn đăng ký 8.404 tỷ đồng (trong đó: năm 2021 là 30 dự án, vốn đăng ký 4.952 tỷ đồng; năm 2022 là 11 dự án, với số vốn đăng ký 3.452 tỷ đồng). Tuy nhiên, số lượng các dự án công nghiệp, dịch vụ quy mô lớn dần chiếm ưu thế, nhiều dự án có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đang được triển khai.

Một góc Khu du lịch rừng thông bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu về đêm.

Tiêu biểu như Tổ hợp Trang trại sinh thái bò sữa Công nghệ cao Mộc Châu, tổng đầu tư 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý II/2024; Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao, vốn đầu tư 2.000 tỷ, trong đó giai đoạn I là 734 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025; Trung tâm chế biến rau quả Doveco SơnLa 400 tỷ đồng dự kiến hoàn thành Quý II/2023; Tổ hợp khách sạn, nhà ở và chợ du lịch Mộc Châu 371 tỷ đồng; Dự án điểm du lịch Mộc Châu Island 770 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý III/2023.

Tuy số lượng dự án giảm, song số dự án quy mô lớn tăng, tập trung vào các ngành lĩnh vực theo đúng định hướng, mục tiêu thu hút đầu tư mà Nghị quyết số 07-NQ/TU đề ra. Đó là phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo và phát triển năng lượng sạch. Số dự án hoàn thành hoạt động sản xuất trong năm 2022 là 7 dự án, vốn đầu tư thực hiện 2.405 tỷ đồng. Trong đó: Nhà máy chế biến phân bón Sông Lam vốn thực hiện 159 tỷ đồng; Nhà máy thủy điện Suối Sập 2 A tổng vốn 1.655 tỷ đồng;  Trường mầm non Ngôi sao 33 tỷ đồng...

Cầu kính Bạch Long của Mộc Châu Island - điểm đến ấn tượng.

Thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp có sự chuyển biến. Ông Bùi Văn Mẫn, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Sơn La, cho biết: Hiện nay, Ban Quản lý đang hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết 1/500 KCN Mai Sơn, trình UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2023. Đồng thời, hoàn thiện việc lập, trình thẩm định và tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Vân Hồ. Còn nhiều nhà đầu tư, có nhu cầu khảo sát, đăng ký đầu tư, nộp đề xuất dự án đầu tư vào KCN Mai Sơn, tiêu biểu Công ty TNHH MaVin Mai Sơn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MaVin Mai Sơn, thông tin: Tập đoàn dự kiến đầu tư tổ hợp các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến nông sản phục vụ thức ăn chăn nuôi, với công suất chế biến 200.000 tấn thức ăn chăn nuôi và 300.000 tấn nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ các tỉnh Tây Bắc, tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, diện tích hơn 14 ha tại KCN Mai Sơn. Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với Ban quản lý các KCN tỉnh hoàn thiện thủ tục xin cấp phép đầu tư và thuê đất để thực hiện dự án, đưa tổ hợp nhà máy đi vào hoạt động cuối năm 2023.

 Tỉnh Sơn La có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản.

"5 rõ" trong thu hút đầu tư 

Ngày 8/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU và đặt rõ mục tiêu trong năm 2023, số dự án được cấp mới từ 25-30 dự án đầu tư; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư đối với các KCN, CCN, thực hiện các hoạt động thu hút đầu tư vào khu, CCN, nhất là đối với các hoạt động sản xuất, chế biến, các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Thu hút, hoàn thành việc chuẩn bị đầu tư ít nhất 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Sau hơn 2 tháng triển khai kế hoạch, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thông tin: Trên cơ sở kết quả xử lý hồ sơ dự án đang dở dang và tình hình thực hiện các hoạt động mời gọi thu hút đầu tư, dự báo trong kế hoạch năm 2023 có khoảng 30 - 35 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư. Một số dự án có quy mô lớn, như: Nhà máy chế biến Nikel tại Phù Yên, dự án khai thác Nikel tại Bắc Yên; Nhà máy chế biến Chè Mộc Châu...

Năm 2023, dự kiến lựa chọn được nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Vân Hồ; CCN Hoàng Văn Thụ, thành phố Sơn La; CCN Tông Cọ, huyện Thuận Châu. Đối với các dự án khu dân cư, có dự án nhà ở thương mại, thực hiện quy trình lựa chọn được nhà đầu tư 16 dự án (qua đấu giá 5 dự án, đấu thầu 11 dự án); khả năng chấp thuận chủ trương đầu tư 13 dự án; 2 dự án có khả năng hoàn thành đủ điều kiện kinh doanh bất động sản, gồm: Khu đô thị số 2 Chiềng An và dự án khu dân cư 3a.

Trưng bày sản phẩm cà phê của Công ty CP Phúc Sinh Sơn La  tại Fetival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.

Hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, Thành phố tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo phương châm “5 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm. Trọng tâm là rà soát hoàn thiện và trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 200 đảm bảo tiến độ, chất lượng; đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch chung cấp xã làm cơ sở thực hiện thu hút đầu tư, huy động nguồn lực tổ chức quản lý thực hiện theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, rà soát đánh giá các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trong các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với cơ chế, chính sách của Trung ương và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện thực tế của tỉnh… Tin tưởng, với những giải pháp rõ ràng, lộ trình cụ thể, năm 2023, công tác thu hút đầu tư của tỉnh Sơn La gặt hái thành công, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới