Những năm qua, huyện Thuận Châu đã tập trung phát triển kinh tế tập thể và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ HTX ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ các HTX tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.
Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Phòng đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các xã tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; vận động các hộ dân liên kết, thành lập HTX; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX trong quá trình hoạt động.
Từ năm 2022 đến nay, huyện phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm gắn với HTX cho 300 người tại các xã Chiềng Pha, Co Mạ, Noong Lay. Tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền sáng lập viên thành lập HTX tại các xã Bản Lầm, Chiềng Pấc, Chiềng Bôm, Phổng Lăng, Pá Lông, Co Tòng. Hỗ trợ thực hiện chuẩn hóa sản phẩm OCOP cho 2 HTX, với tổng kinh phí trên 486 triệu đồng. Hỗ trợ hoàn tất hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận VietGAP; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ bao bì, đóng gói sản phẩm cho các HTX, với tổng kinh phí là 360 triệu đồng.
Trên địa bàn huyện có 57 HTX; trong đó 52 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, 2 HTX xây dựng, 3 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, với hơn 1.000 thành viên. Doanh thu bình quân của HTX đạt 1 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân lao động 35 triệu đồng/năm. Các HTX đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động; năng động kết nối, hình thành các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường; chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, như sản phẩm chè, quả an toàn, khoai sọ, gà đen...
Năm 2021, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai Dự án nuôi gà đen giống bản địa theo hướng an toàn sinh học, quy mô trên 3.000 con tại bản Tở, xã É Tòng, với 6 hộ tham gia. Đầu năm 2022, chị Lò Thị Bưởi, là 1 trong 6 hộ tham gia dự án đã vận động các hộ thành lập HTX nông nghiệp sinh thái EFARM và làm giám đốc. Tháng 9 vừa qua, Dự án phát triển chăn nuôi gia cầm và các dịch vụ nông nghiệp của HTX đã đoạt giải khuyến khích tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Chị Lò Thị Bưởi, Giám đốc HTX, chia sẻ: Gà đen của HTX nuôi theo quy trình VietGAP. Mỗi năm, các thành viên quay vòng gối đàn 3-4 lứa, từ 300 đến 500 con. Sản phẩm gà thịt và trứng gà đều được HTX bao tiêu. Hiện nay, HTX được huyện hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ bao bì nhãn mác để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm. HTX đang tiếp tục phối hợp xây dựng sản phẩm trứng gà đen bản địa thành sản phẩm đặc trưng của xã É Tòng và là sản phẩm OCOP của huyện, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và nhân dân tham gia chuỗi liên kết.
Tháng 7/2022, HTX chè Chiềng Pha được thành lập, với 7 thành viên. Sau khi thành lập, HTX đầu tư dây chuyền máy móc sản xuất 30 tấn chè búp tươi/ngày, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương. Anh Hoàng Văn Phúc, Phó Giám đốc HTX, thông tin: Sau khi thành lập, HTX đã được các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ tập huấn về quản trị HTX, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, bảo đảm sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Từ đầu năm đến nay, HTX đã thu mua 4.100 tấn chè búp tươi cho bà con, chế biến được 900 tấn sản phẩm chè khô.
Phấn đấu đến hết năm 2024, huyện Thuận Châu thành lập mới 5 HTX, doanh thu bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của thành viên, lao động thường xuyên trong HTX đạt 45 triệu đồng/người/năm. Huyện tiếp tục tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!