Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Sơn La đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; nâng cao trình độ sản xuất, khả năng ứng dụng khoa học, kỹ thuật cho nông dân.
Ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố, cho biết: Trung tâm có 23 cán bộ, viên chức. Hằng năm, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cán bộ phụ trách các xã, phường để tư vấn, hướng dẫn và triển khai kỹ thuật sản xuất phù hợp với nhu cầu của nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Thành phố về phát triển sản xuất cà phê bền vững, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn tại phường Chiềng An, 6 hội thảo đầu bờ tại các xã, phường; phối hợp với Công ty cà phê Minh Tiến phát triển cây cà phê theo hướng hữu cơ; phối hợp với HTX cà phê Bích Thao Sơn La xây dựng 2 vườn ươm cây giống cà phê. Đến nay, Thành phố đã tái canh 50 ha cà phê bằng giống mới; tiếp tục rà soát diện tích cà phê già cỗi để thực hiện tái canh bằng giống mới cho năng suất, chất lượng cao.
Bà Tòng Thị Thỏa, bản Hôm, xã Chiềng Cọ, chia sẻ: Vườn cà phê của gia đình tôi trồng từ năm 1996 đến nay đã già cỗi. Năm 2020, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố hướng dẫn, gia đình đốn tỉa 2.000 gốc cà phê, ghép các giống THA1, TN1, TN7, TN9. Sau một năm đã cho thu hoạch, năng suất tăng 20-25% so với giống cũ, chất lượng cà phê tốt hơn, nên bán giá cao hơn. Năm nay, gia đình tiếp tục đốn tỉa và ghép cải tạo diện tích cà phê già cỗi còn lại.
Chị Trần Thị Nga, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố, chia sẻ: Ngoài hướng dẫn người dân đốn tỉa và tái canh cà phê già cỗi, chúng tôi tuyên truyền, vận động các hộ gia đình kỹ thuật cắt tỉa, bón phân, giữ ẩm, kích lộc ra hoa, đậu quả. Hướng dẫn bón phân chuồng, đạm, lân, kali, phòng trừ bệnh chảy mủ, bệnh phấn trắng, rệp gây hại trên cây mận. Nhờ đó, cây mận sinh trưởng, phát triển tốt, riêng mận tam hoa năng suất đạt 13 tấn/ha, tăng 30% so với năm 2021, sau khi trừ chi phí thu về gần 100 triệu/ha. Sau khi thực hiện xong mô hình, Trung tâm ban hành hướng dẫn sản xuất mận tam hoa theo hướng hữu cơ.
Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng mô hình trồng dứa tại tổ 3, phường Chiềng An; trồng 2 ha thanh long tại tổ 14, phường Chiềng Sinh... Trung tâm thường xuyên cử cán bộ theo dõi và hướng dẫn các hộ chăm sóc, làm cỏ và bón phân theo quy trình kỹ thuật. Đối với mô hình trồng thanh long, cán bộ khuyến nông hướng dẫn các hộ trồng xen củ dong riềng để giữ ẩm, tăng độ phì nhiêu cho đất, hạn chế sâu bệnh, cỏ dại và tăng thêm thu nhập.
Trong chăn nuôi, Trung tâm phối hợp với nhân viên khuyến nông, thú y cơ sở hướng dẫn trên 1.500 lượt người về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, phòng tránh đói rét, nắng nóng cho vật nuôi. Mở 14 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn về kỹ thuật nuôi bò, lợn cho 490 nông dân của các xã Chiềng Ngần, Chiềng Đen, Hua La. Hướng dẫn trên 250 hộ nông dân xây dựng hệ thống bể lọc chất thải lỏng, thu gom phân rác để ủ, sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi, đảm bảo môi trường trong chăn nuôi. Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi gà, tại bản Tông, xã Chiềng Xôm, quy mô 1.000 con; 2 mô hình nuôi bò 3B tại bản Hụm, xã Chiềng Xôm và bản Noong Lọ, xã Chiềng Đen, tổng số 18 con.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Sơn La tiếp tục phối hợp với các phòng ban, đơn vị mở các lớp tập huấn hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình áp dụng thực hành sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ. Duy trì, giám sát 9 chuỗi sản xuất rau, củ, quả an toàn. Tiếp tục tư vấn, hướng dẫn thực hiện tái canh cây cà phê; hướng dẫn sử dụng các loại thuốc thú y phòng bệnh, chữa bệnh cho vật nuôi, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!