Giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm

Giai đoạn 2018-2023, sản lượng nông sản toàn tỉnh đạt khoảng 12 triệu tấn, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động liên kết với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trên cả nước và các đơn vị vận chuyển, các chuỗi cửa hàng bán lẻ và thông qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử giúp nông dân tiêu thụ nông sản.

Hội đã chỉ đạo Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố rà soát, thống kê diện tích cây trồng, dự kiến sản lượng, từ đó xây dựng các phương án, kịch bản tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân. Đồng thời, thông tin đến các hội viên, các HTX chủ động phân loại nông sản theo các nhóm chất lượng; báo giá để gửi cho các đối tác bạn hàng. Chủ động tìm kiếm, mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng để tiêu thụ nông sản.

Tuần lễ xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại siêu thị BigC - Thăng Long, tại Hà Nội.
 Ảnh: PV

Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác trong vận chuyển tiêu thụ và đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart; hướng dẫn nông dân tổ chức livestream giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm nông sản trên các trang mạng xã hội.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã ký thỏa thuận liên kết với Hội Nông dân thành phố Hải Phòng, các tỉnh Hưng Yên, Thừa Thiên Huế... mở các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu nông sản. Hiện nay, toàn tỉnh có 4.319 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử Postmart, với 413 sản phẩm, trong đó có 59 sản phẩm OCOP. 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ trên 155 nghìn tấn nông sản các loại.

Việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản cũng được Hội Nông dân tỉnh chú trọng, nhất là trong sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng tốt nhất khi giao đến người tiêu dùng. Trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 11 cuộc hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về quản lý sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao cho cán bộ, hội viên nông dân, chủ trang trại và giám đốc các hợp tác xã, với trên 1.200 người tham gia.

Ông Triệu Đức Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vân Hồ, chia sẻ: Huyện có 4,1 nghìn ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài và nhãn chín muộn, sản lượng khoảng 8,8 nghìn tấn/năm. Hằng năm, Hội hướng dẫn hội viên, nông dân đăng ký sản lượng nông sản cần được hỗ trợ tiêu thụ để xây dựng kế hoạch cụ thể, hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền hội viên nâng cao chất lượng các sản phẩm để việc chào hàng đến các đối tác thuận lợi. Hội cũng khuyến khích nông dân khai thác lợi thế về du lịch để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, qua đó, tìm những đối tác tiềm năng, tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Từ năm 2020 đến nay, Hội đã hỗ trợ nông dân trên địa bàn tiêu thụ trên 5 nghìn tấn nông sản các loại.

Còn anh Bùi Mạnh Cường, bản Kim Sơn, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, chia sẻ: Gia đình tôi có trên 2 ha trồng dâu tây và 1,5 ha mận hậu. Thông qua các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, giúp gia đình tiêu thụ các sản phẩm nông sản thuận lợi. Tôi đã chủ động cung cấp thông tin về giá cả, số lượng và phân loại sản phẩm cho khách hàng. Để tạo niềm tin, tôi gửi hàng cho khách dùng thử sau đó mới thanh toán. Với cách làm như vậy, trong 3 năm qua, tôi đã bán được trên 10 tấn nông sản, thu nhập trên 300 triệu đồng.

Việc chủ động các phương án hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản của các cấp hội nông dân toàn tỉnh đã góp phần quảng bá nông sản Sơn La đến với nhiều thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới