Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông dân xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu đã tuyên truyền hội viên xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung chuyên canh.
Ông Lò Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: Hội có 1.176 hội viên, sinh hoạt tại 8 chi hội trực thuộc. Hội đã vận động hội viên, nông dân đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm vào sản xuất, đến nay, xã đã có 185 ha cây ăn quả, gồm, xoài, nhãn, mận hậu, chủ yếu là trồng xen cây cà phê, trong đó trên 156 ha đã cho sản phẩm. Ngoài ra, các hội viên còn duy trì chăm sóc hơn 570 ha cà phê và triển khai dự án chăn nuôi bò sinh sản từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân với 10 thành viên tham gia tại bản Nam Tiến.
Bên cạnh đó, Hội đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 597 hội viên vay trên 26 tỷ đồng và vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho 20 hộ vay 700 triệu đồng. Từ năm 2022 đến nay, Hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 4 cuộc hội thảo đầu bờ, 3 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò thương phẩm, xử lý sâu bệnh hại trên cây trồng, kỹ thuật cắt ghép, trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ và tái canh cây cà phê cho trên 500 hội viên, nông dân tại các chi hội.
Đến nay, xã có 260 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó 5 hộ cấp tỉnh, 98 hộ cấp huyện và 157 hộ cấp xã. Có nhiều mô hình kinh tế trang trại, vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô vừa và nhỏ, như: Mô hình trồng và thu mua cà phê của hội viên Quàng Văn Hoa, bản Bon; mô hình trồng cà phê kết hợp nuôi trâu, bò nhốt chuồng của hội viên Lò Văn Diêu, Lò Văn Hợp, bản Tát; mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ của hội viên Nguyễn Mạnh Trường, Đặng Quốc Tuấn, bản Nam Tiến…
Năm 2019, gia đình ông Đặng Quốc Tuấn, bản Nam Tiến đầu tư trồng 4.000 gốc na hoàng hậu, 1.800 gốc vú sữa, 100 gốc mít, 600 gốc nhãn chín sớm, 1.200 gốc lê tai nung và trên 1,8 ha thanh long ruột đỏ, thanh long vỏ vàng ruột trắng. Năm 2022, gia đình thu hoạch 50 tấn quả các loại, trừ chi phí thu lãi trên 700 triệu đồng. Ông còn tạo việc làm thời vụ cho 10 lao động địa phương.
Ông Tuấn cho biết: Diện tích cây ăn quả của gia đình đều được trồng theo hướng hữu cơ. Hằng ngày, nhân công lao động sử dụng máy phát, gom cỏ vào gốc cây để ủ mục làm phân xanh; tận dụng vỏ cà phê, ngô, đậu tương, quả chín hỏng trong vườn để ủ hoai mục bón cho cây. Ngoài ra, tôi dùng các loại bẫy để diệt các loại côn trùng như ruồi vàng, bọ xít muỗi, ong châm, sâu, nhện... và thực hiện bao quả. Nhờ vậy, 12 ha cây ăn quả cho năng suất, chất lượng tốt, sản phẩm sạch nên bán được giá.
Còn ông Quàng Văn Hoa, bản Bon, thâm canh 6,5 ha cà phê. Ông tích cực tham gia một số lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, tái canh cây cà phê do huyện, xã tổ chức và ứng dụng vào thực tế sản xuất. Niên vụ năm 2022, gia đình ông thu được gần 70 tấn cà phê, lãi hơn 700 triệu đồng. Ngoài ra, còn đầu tư mua xe tải để vận chuyển cà phê của gia đình và thu mua cho bà con trong vùng từ 5.000-7.000 tấn quả cà phê/năm.
Với mục tiêu làm giàu cho hội viên, Hội Nông dân xã Bon Phặng tiếp tục vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; xây dựng và phát triển các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp; tạo điều kiện để các hội viên vay vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm... phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!