Tại Việt Nam, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn được chú trọng với mong muốn tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển đồng đều với các tổ chức kinh tế khác.
Tuy nhiên cho đến nay, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều hạn chế, chưa thật sự phát huy hiệu quả như mong đợi. Điều này đòi hỏi trong bối cảnh mới, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phải đổi mới toàn diện, thiết thực và hiệu quả hơn.
“Bà đỡ” xây dựng nông thôn mới
Trong chuyến khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi tại tỉnh Đồng Tháp hồi tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, hợp tác xã đi đúng hướng, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, công nghiệp hóa nông thôn.
Trên thực tế, khu vực kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã, đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng nông nghiệp thông minh, số hóa, cơ giới hóa, đẩy mạnh liên kết sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập, cải thiện phúc lợi cho thành viên hợp tác xã và cư dân nông thôn.
Hợp tác xã Thới Thạnh (tỉnh Bến Tre) là một trong những mô hình kinh tế tập thể đang cho thấy rõ hiệu quả và vai trò của hợp tác xã trong tiến trình xây dựng nông thôn hiện đại. Được thành lập từ năm 2017, Hợp tác xã Thới Thạnh hiện có 192 thành viên với tổng vốn điều lệ là 500 triệu đồng; vốn cổ phần dịch vụ sản xuất, kinh doanh là 500 triệu đồng.
Đến nay, Hợp tác xã Thới Thạnh đã xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ dừa hữu cơ và đạt được hiệu quả tích cực trong việc tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm dừa. Đa số các thành viên của hợp tác xã đã sử dụng dịch vụ này với tỷ lệ hơn 85%. Điều này giúp tạo ra một chuỗi giá trị sản phẩm dừa có chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.
Mặt khác, việc liên kết giúp tạo ra thu nhập ổn định cho các hộ nông dân trồng dừa trong xã. Đơn cử, riêng với hoạt động sơ chế dừa hằng ngày của hợp tác xã đã tạo ra việc làm và tăng thu nhập cho hơn 40 thành viên với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Canh tác dừa hữu cơ đã mang lại lợi nhuận trực tiếp cho thành viên từ 15-20% so với canh tác thông thường. Ước tính tổng lợi nhuận trực tiếp từ canh tác dừa hữu cơ của thành viên hợp tác xã khoảng 750 triệu đồng/năm; tổng doanh thu năm 2022 là 11,2 tỷ đồng; lợi nhuận từ dịch vụ là 92,1 triệu đồng. Hợp tác xã cũng đã áp dụng, ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực trong vườn dừa hữu cơ cho nhóm thành viên gồm 32 hộ với 16 ha, tạo doanh thu, năng suất từ nuôi tôm càng xanh toàn đực đạt 4,5 tấn/năm... Qua hoạt động của hợp tác xã, đã có sự phát triển kinh tế trong hộ thành viên và góp phần vào xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2023, cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã, 158 liên hiệp hợp tác xã và 73.000 tổ hợp tác. Năm 2022, doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm…
Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ
Nhiều năm qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển; trong đó có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ về đầu tư phát triển hạ tầng; chính sách giao đất, cho thuê đất; chính sách về tín dụng;...
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, nhiều cơ chế, chính sách đã hỗ trợ các hợp tác xã trong quá trình thành lập, tổ chức sản xuất và phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Giai đoạn 2021-2023, gần 84% tổng số hợp tác xã nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước; hơn 104.000 lao động trong khu vực hợp tác xã được hỗ trợ 76 tỷ đồng tiền thuê nhà; 81,7% tổng số hợp tác xã và người lao động trong hợp tác xã được gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,...
Các hợp tác xã vay vốn tại ngân hàng thương mại được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; một số ít hợp tác xã nông nghiệp, vận tải, du lịch vay vốn tại ngân hàng thương mại được giảm lãi suất 2%. Đáng chú ý, 52 hợp tác xã được tiếp cận chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với tổng kinh phí là 62,5 tỷ đồng…
Tuy nhiên, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhưng không được bố trí nguồn vốn riêng, hoặc hầu hết lồng ghép trong các chương trình khác nên việc tổ chức thực hiện chưa thực sự hiệu quả, tính khả thi không cao. Một số chính sách hỗ trợ chậm được hướng dẫn triển khai như chính sách cấp, giao cho thuê đất để hợp tác xã làm trụ sở và nơi sản xuất, kinh doanh; chính sách xây dựng kết cấu hạ tầng; chính sách hỗ trợ tín dụng;...
Vì vậy, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hóa, đồng bộ trong thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2023, Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 09/NQ-CP, Nghị quyết số 106/NQ-CP,... đồng thời rà soát pháp luật về đất đai, thuế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường,... để bảo đảm sự thống nhất, tránh những vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Liên quan đến chính sách tín dụng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, nhờ triển khai đồng bộ các chính sách tín dụng đã tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay được hàng nghìn tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đến cuối tháng 6/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đạt 6.232 tỷ đồng, tăng 5,12% so với cuối tháng 6/2022.
Tuy nhiên qua số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng cho hợp tác xã của hệ thống các tổ chức tín dụng còn hạn chế trong khi dự báo nhu cầu về vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của khu vực này trong những năm tới tiếp tục có xu hướng tăng. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như: Một số quy định còn thiếu linh hoạt; chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa đầy đủ, chậm triển khai; năng lực tài chính của các hợp tác xã còn yếu, báo cáo tài chính chưa đúng quy định, thiếu minh bạch;...
Do đó, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Quốc hội bố trí ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được ghi thành khoản mục riêng trong Dự toán ngân sách nhà nước; Chính phủ ưu tiên, bố trí ngân sách riêng từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương để thực hiện các chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2023 để tạo sự đồng bộ trong triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!