Đà Nẵng cần chuẩn bị gì để phát triển du lịch Halal?

Phát triển du lịch là một trong những chiến lược trọng điểm của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xác định rõ mục tiêu góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

Giọng nữ

 

Nhà hàng Bharata tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đạt được chứng nhận Halal, phù hợp cho du khách Hồi giáo sử dụng. Ảnh: GIA PHÚC
Nhà hàng Bharata tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đạt được chứng nhận Halal, phù hợp cho du khách Hồi giáo sử dụng. Ảnh: GIA PHÚC

Ngày 18-5-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phục hồi và phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, từ đó tạo cơ hội cho các lĩnh vực khác liên quan. Đặc biệt, ngày 14-2-2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành Halal, trong đó có du lịch Halal.

Với Đà Nẵng, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43/NQ-TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định du lịch là một trong 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố. Trên những cơ sở đó, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã cụ thể hóa thành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời ngành du lịch thành phố. Trong đó, đối với du lịch Halal, ngày 15-11-2024, Thường trực Thành ủy có văn bản số 5419-CV/TU giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu hình thành sản phẩm du lịch mới của thành phố.

Du lịch Halal có tiềm năng rất lớn và đang phát triển mạnh mẽ. Giá trị thị trường du lịch Halal toàn cầu năm 2023 đạt 266,3 tỷ USD, dự báo trong năm 2024 sẽ tăng lên 276,7 tỷ USD và ước tính đến năm 2034 sẽ là 417,6 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm trong giai đoạn 2024-2034 đạt 3,6%. Một trong những động lực chính của thị trường du lịch Halal là sự phát triển của tầng lớp trung lưu Hồi giáo sẵn sàng chi tiêu cao cho du lịch.

Theo thống kê, trong năm 2024 có trên 4 triệu lượt người nước ngoài đến Đà Nẵng, trong đó có người theo đạo Hồi ở một số quốc gia như Ấn Độ (gần 200.000 người), Malaysia (hơn 131.000 người), Indonesia (gần 40.000 người), Ả Rập Saudi (gần 4.000 người), Iran (hơn 2.600 người)...

Hiện có 23 đường bay đến Đà Nẵng, gồm 7 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế thường kỳ, tần suất trung bình 52 chuyến quốc tế/ngày, trong đó có đường bay đến Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Ahmedabad (Ấn Độ). Ngoài ra đầu năm 2025, dự kiến sẽ khôi phục và mở các đường bay quốc tế đến Ấn Độ (New Delhi, Mumbai), Trung Quốc (Thành Đô, Hàng Châu, Quảng Châu), Nhật Bản (Nagoya, Osaka), Qatar (Doha)…; đồng thời xúc tiến mở các đường bay mới từ Úc, Indonesia… đến Đà Nẵng.

Mặc dù Sở Du lịch có nhiều hoạt động tổ chức các chương trình chia sẻ kỹ năng phục vụ thị trường khách du lịch Hồi giáo cho các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, khu, điểm, doanh nghiệp vận chuyển du lịch, nhà hàng, hướng dẫn viên trên địa bàn thành phố, nhưng vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả. Đà Nẵng mới chỉ có 2 điểm cầu nguyện cho người theo đạo Hồi và 4 nhà hàng đạt chứng nhận Halal. Những kiến thức về thị hiếu, tâm lý, nguyên tắc sử dụng thực phẩm, đồ uống, điểm tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm, dịch vụ mặt đất, kỹ năng phục vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách Halal còn thiếu và yếu. Cộng đồng khách du lịch theo đạo Hồi có xu hướng lên mạng internet để tìm hiểu trước điểm du lịch, nhưng công tác quảng bá của Đà Nẵng còn nhiều hạn chế...

Vì vậy, để phát triển du lịch Halal, một thị trường tiềm năng và đang phát triển, Đà Nẵng cần nghiên cứu xây dựng chính sách và quy định hỗ trợ du lịch Halal. Sở Du lịch thành lập Ban quản lý du lịch Halal để nghiên cứu và hiểu rõ nhu cầu của khách du lịch Hồi giáo, từ đó có thể xây dựng “bộ tiêu chí cơ bản về tiêu chuẩn của khách Halal” để áp dụng chung; phối hợp trong các công việc hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở dịch vụ đáp ứng yêu cầu, chứng chỉ Halal, quảng bá về du lịch Halal tại Đà Nẵng... và kiểm tra, giám sát chặt việc thực hiện tiêu chuẩn Halal. Tiếp theo là thiết lập cơ sở vật chất phục vụ du lịch Halal.

Phòng cầu nguyện cho du khách Hồi giáo nói lên sự đa dạng về dịch vụ, đặc biệt tiêu chuẩn dịch vụ cho nhóm khách riêng biệt như tín đồ Hồi giáo sẽ là “điểm nhấn” trong việc chào đón du khách tại Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: GIA PHÚC
Phòng cầu nguyện cho du khách Hồi giáo nói lên sự đa dạng về dịch vụ, đặc biệt tiêu chuẩn dịch vụ cho nhóm khách riêng biệt như tín đồ Hồi giáo sẽ là “điểm nhấn” trong việc chào đón du khách tại Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: GIA PHÚC

Các cơ sở lưu trú, điểm du lịch, nghỉ chân nhắm đến khách Halal cần xây dựng phòng cầu nguyện theo chuẩn; bố trí tiện nghi theo tâm lý, thị hiếu, nguyên tắc của khách Hồi giáo. Đặc biệt, nơi phục vụ ăn uống phải đạt chứng nhận Halal. Muốn đạt được điều này cần xây dựng cả một “hệ sinh thái thực phẩm” để cung cấp cho các bếp ăn Halal.

Với đội ngũ phục vụ (hướng dẫn viên, lái xe, phục vụ ăn uống, lưu trú...), cần phải tổ chức đào tạo một cách bài bản và thậm chí cấp chứng nhận đào tạo; cần hợp tác với các Tổ chức chứng nhận Halal quốc tế và Việt Nam có uy tín để cấp chứng nhận cho các cơ sở, dịch vụ đạt chuẩn. Thành phố đẩy mạnh việc quảng bá và tiếp thị về du lịch Halal tại Đà Nẵng; cần tạo những trang truyền thông chuyên về du lịch Halal; tổ chức sự kiện, hội thảo về du lịch Halal; tổ chức tour du lịch Halal gắn với các hoạt động văn hóa, tôn giáo; hợp tác với các tổ chức du lịch Hồi giáo quốc tế; tham gia các hội thảo và triển lãm du lịch Halal quốc tế; ký kết thỏa thuận hợp tác với các thành phố du lịch Halal khác.

Khách du lịch Halal thích những nơi có nhiều hoạt động du lịch bền vững, sạch sẽ, vệ sinh, hướng đến sức khỏe, trải nghiệm và đặc biệt có sự trân trọng văn hóa Hồi giáo. Do đó, Đà Nẵng cần tạo cảm giác an toàn, gần gũi và thuận tiện cho du khách người Hồi giáo để không bỏ lỡ một thị trường tiềm năng và đang phát triển.

Theo Báo Đà Nẵng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới