Cửa khẩu số - Thúc đẩy xuất nhập khẩu qua cửa khẩu

Nền tảng cửa khẩu số đang mang lại rất nhiều tiện ích, góp phần quan trọng để cải thiện năng lực thông quan hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu, góp phần hiện thực mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Cửa khẩu số được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai chính thức triển khai tại Cửa khẩu đường bộ quốc tế số II Kim Thành.
Cửa khẩu số được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai chính thức triển khai tại Cửa khẩu đường bộ quốc tế số II Kim Thành.

Thuận lợi cho doanh nghiệp

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), trước kia mỗi ngày có hàng nghìn lượt doanh nghiệp, thương nhân, lái xe phải đến cửa khẩu để kê khai thủ tục xuất nhập khẩu trên giấy với nhiều công đoạn rườm rà, chưa kể các vướng mắc phát sinh.

Giờ đây trên nền tảng cửa khẩu số, doanh nghiệp chỉ mất khoảng từ 2-5 phút là có thể hoàn thành việc khai báo thông tin về hàng hóa. Việc theo dõi hàng hóa, phương tiện đang ở đâu và đã được xử lý ra sao cũng trở nên dễ dàng hơn.

Ông Vũ Trung Đức, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Gia Khánh Lạng Sơn, cho biết, trước đây doanh nghiệp đăng ký bằng giấy không thể biết được trạng thái hàng như đã được báo bốc, hay phân công nhân, phân tổ... phải trực tiếp vào hỏi.

Nhưng giờ có app, doanh nghiệp có thể trực tiếp xem trên điện thoại là có thể biết đã có người bốc hàng, có xe vào hay chưa và cập nhật giá trên hệ thống. Điều này giúp doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong quá trình giao thương hàng hóa qua cửa khẩu.

Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động cửa khẩu từ tháng 2/2022. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn, hiện 100% doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến cửa khẩu.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, chuyển sang cửa khẩu số rất nhanh, gọn, nhẹ, đơn giản. Trước đây, trung bình doanh nghiệp phải khai báo 5 loại giấy tờ cho mỗi xe chở hàng xuất khẩu. Sau đó, các cơ quan chức năng tiến hành nhập liệu. Nhiều công đoạn khiến thủ tục bị chậm, dẫn tới tình trạng ùn tắc.

Khi sử dụng nền tảng cửa khẩu số, các doanh nghiệp chỉ phải kê khai thông tin một lần và kê khai trực tuyến từ bất kỳ ở đâu, bất kỳ thời gian nào, thời gian kê khai thông tin hàng hóa chỉ mất từ 2-5 phút nên rất thuận lợi.

Cửa khẩu số - Thúc đẩy xuất nhập khẩu qua cửa khẩu ảnh 1
Lạng Sơn thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Hữu Nghị.

Việc số hóa không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian, mà còn giúp cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách hành chính và minh bạch hóa thông tin; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đến nay, 100% doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số với gần 300 nghìn phương tiện và hơn 1.400 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên nền tảng cửa khẩu số.

Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Vân Nam, Trung Quốc), trước kia, mỗi ngày có hàng nghìn lượt doanh nghiệp, thương nhân, lái xe phải đến cửa khẩu để kê khai thủ tục xuất nhập khẩu trên giấy với nhiều công đoạn rườm rà, chưa kể các vướng mắc phát sinh.

Giờ đây trên nền tảng cửa khẩu số, doanh nghiệp chỉ mất khoảng từ 5-10 phút là có thể hoàn thành việc khai báo thông tin về hàng hóa. Việc theo dõi hàng hóa, phương tiện đang ở đâu và đã được xử lý ra sao cũng trở nên dễ dàng hơn.

Cửa khẩu số được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai chính thức triển khai tại cửa khẩu đường bộ quốc tế số II Kim Thành từ ngày 21/8/2023. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này, thay vì phải đến từng bộ phận như trước đây, thì hiện nay chỉ phải qua trung tâm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại cửa khẩu để nộp hồ sơ và chờ nhận kết quả.

 

Bên cạnh việc, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, sẽ chống vượt tuyến trong toàn bộ các hoạt động của cửa khẩu, hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động của con người, các dữ liệu được công khai, chia sẻ với các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, giúp ngăn ngừa các tiêu cực phát sinh và sự minh bạch hóa luôn được đáp ứng; thuế, phí sẽ được thu đúng, thu đủ, không thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước.

Hiện nay 100% doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến cửa khẩu. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Lào Cai đến thời điểm hiện tại đã đạt hơn 1 tỷ USD về giá trị, số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 400 doanh nghiệp, số lượng xe vận chuyển hàng hóa hàng đạt từ 400-450 lượt xe/ngày.

Để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, tỉnh Lào Cai cũng đang tiếp tục hoàn thiện cửa khẩu số kết nối dữ liệu tới các nền tảng và các phần mềm chuyên dùng của các ngành để chia sẻ thông tin.

Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, việc xây dựng nền tảng cửa khẩu số là xu hướng tất yếu nhằm số hóa quy trình xuất-nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả theo dõi, giám sát, quản lý.

Hướng tới mô hình cửa khẩu thông minh

Có thể nói, việc triển khai cửa khẩu số tại Lạng Sơn và Lào Cai đang dần tạo nên một mô hình kiểu mẫu về cửa khẩu số trong cả nước, góp phần hình thành hệ thống cửa khẩu số quốc gia, phục vụ cho quản lý nhà nước của Chính phủ và các địa phương phòng, chống tiêu cực, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Từ thành công của mô hình cửa khẩu số, Lễ khởi công Dự án Cửa khẩu thông minh Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) do Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức ngày 15/9.

Thực hiện Thỏa thuận khung về Thúc đẩy xây dựng thí điểm Cửa khẩu thông minh Việt Nam-Trung Quốc, phía tỉnh Lạng Sơn và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây đã thống nhất cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm Cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan.

Dự án Cửa khẩu thông minh Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan do phía Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây triển khai dựa trên định vị vệ tinh và công nghệ 5G.

Dự án sử dụng xe tự hành vận chuyển container không người lái AGV, thiết bị cẩu tự động, hệ thống kiểm bản đồ thông minh và có thể hoàn thành việc trao đổi thông tin logistics xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cho phép thông quan hàng hóa tự động không người trực 24 giờ liên tục trong ngày.

Vốn đầu tư dự án do phía Trung Quốc thực hiện vào khoảng 1,062 tỷ nhân dân tệ, thời gian xây dựng khoảng 15 tháng kể từ ngày khởi công, dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12/2024. Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa giữa 2 cửa khẩu.

Với trọng tâm là nền tảng cửa khẩu số, thời gian tới là cửa khẩu thông minh, các địa phương trên cả nước sẽ phát huy được tối đa tiềm năng thế mạnh của mình trong kinh tế cửa khẩu, qua đó góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc cũng như nhập khẩu hàng hóa thiết yếu từ nước bạn để phục vụ sản xuất và đời sống, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Theo NDĐT
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới