Khép lại năm Quý Mão, lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh Sơn La tiếp tục khởi sắc. Đáng chú ý đã có thêm các nhà máy chế biến hoàn thành đi vào sản xuất và nhiều doanh nghiệp, HTX đã chủ động xin điều chỉnh mở rộng quy mô, đầu tư thêm dây chuyền, thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm nông sản, tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động địa phương.
Đưa nông sản vào chế biến
Niềm vui của nông dân Sơn La năm nay đó là toàn bộ sản phẩm nông sản được hỗ trợ kết nối tiêu thụ hết, với giá thành hợp lý. Một số cây trồng tiếp tục được mở rộng theo chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm. Với 84.752 ha cây ăn quả, Sơn La trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc và là tỉnh có diện tích cà phê Arabica lớn nhất cả nước với trên 20.000 ha; cùng nhiều loại nông sản, có diện tích, sản lượng lớn như: 5.235 ha chè, 9.259 ha mía, 42.537 ha ngô, trên 15.300 ha sắn… Cùng với đó, môi trường kinh doanh thuận lợi đã tạo nên sức hút của các nhà đầu tư đến với Sơn La.
Thông tin kết quả công nghiệp chế biến nông sản, tân Giám đốc Sở Công Thương, Nguyễn Văn Bắc vui mừng chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, gần 3 năm qua, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh đã phát triển định hướng và đạt kết quả tích cực. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Sơn La cấp chủ trương đầu tư mới 6 dự án, gồm Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của Dự án Trung tâm chế biến rau, quả thực phẩm Doveco; Nhà máy chế biến đường lỏng Glucose BHL Sơn La; nhà máy chế biến nông sản, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc; Dự án đầu tư chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp Mộc Châu của Công ty Thương mại Tây Bắc; Dự án tổ hợp trang trại sinh thái và trang trại bò sữa công nghệ cao Mộc Châu của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; Nhà máy chế biến cà phê của Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La. Đến nay, có 2 nhà máy đã hoàn thành đi vào hoạt động.
Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La là tổ hợp nhà máy chế biến nông sản sản xuất theo công nghệ hiện đại của Italia, Nhật Bản và Trung Quốc, tổng công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm, với các dây chuyền sản xuất đông lạnh, đồ hộp, sấy và các sản phẩm khác. Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Sơn La, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: Công ty liên kết xây dựng vùng nguyên liệu gần 12.000 ha dứa Queen, chanh leo, ngô ngọt, đậu tương rau, rau chân vịt. Đơn vị đã thu mua trên 30.000 tấn sản phẩm từ vùng nguyên liệu để chế biến, sản xuất 1.460 tấn xoài IQF; 541 tấn đậu tương rau IQF, 15 tấn chanh leo IQF; trên 700 tấn ngô ngọt IQF và 850 tấn ngô ngọt hộp; giải quyết việc làm cho 3.500 lao động địa phương.
Cũng trong năm, Dự án Nhà máy chế biến cà phê của Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La có quy mô hơn 4 ha, công suất 50.000 tấn, tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, thông tin: Bước sang năm mới, Công ty sẽ liên kết các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và các hộ dân thực hiện chiến lược phát triển cây cà phê bền vững đạt chứng nhận 4C, RA, Organic và chứng nhận sản xuất cà phê không gây mất rừng (EUDR), tạo ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Nông sản Sơn La giờ ngoài tiêu thụ tươi, nay đã có thêm nhiều nhà máy sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm. Nông dân Sơn La có thêm nhiều lựa chọn bạn hàng, đối tác để tiêu thụ sản phẩm. Vị thế nông sản ngày càng được nâng cao.
Mở rộng quy mô sản xuất
Cùng với thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản tập trung, tỉnh Sơn La đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, thiết bị. Đến nay, đã hỗ trợ trên 27 tỷ đồng, hình thành 22 cơ sở là HTX, doanh nghiệp và quy mô hộ gia đình tham gia sơ chế bảo quản nông sản.
Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, tháng 10/2023, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La tạo ra bước tiến mới. Đây là nhà máy đầu tiên đưa vào hoạt động dây chuyền chế biến trà Cacara, gồm: Hệ thống rửa quả tiêu chuẩn thực phẩm, tách vỏ, sấy khử UV; hệ thống sấy lạnh đa chức năng đảm bảo giữ nguyên hương vị, màu sắc; đóng gói tự động sản phẩm túi lọc vuông, túi lọc tam giác, công suất thiết kế 0,5 tấn trà/lô sản xuất.
Ông Vũ Việt Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, nói: Trước đây, toàn bộ vỏ quả cà phê làm phân bón hoặc vật liệu đốt, đưa dây chuyền sản xuất trà Cascara vào hoạt động đã tạo ra sản phẩm đặc biệt, có giá trị kinh tế cao và được thị trường các nước châu Âu đón nhận.
Đầu năm mới, chúng tôi đến thăm vườn cà phê của bà Hoàng Thị Hồng, bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn đang vào mùa thu hái quả. Bà Hồng cho biết: Hằng năm, gia đình tôi được cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn xuất khẩu nên vườn cho năng suất cao. Với khoảng 2 ha cà phê trồng xen, trung bình mỗi năm cho thu hoạch trên 20 tấn quả tươi, thu nhập khoảng 250 triệu đồng.
Điều mừng hơn nữa là trong năm qua, Nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc ngoài diện tích 2 ha tỉnh đã giao xây dựng nhà xưởng sơ chế, đóng gói xuất khẩu chanh leo, vừa qua, Công ty lập dự án xin điều chỉnh chủ trương đầu tư bổ sung thêm 7.796 m2 xây nhà xưởng chế biến sấy dẻo quả xoài, chuối, mận, công suất 20 tấn quả/ngày. Nhiều HTX cũng đầu tư thêm máy sấy nâng cao năng suất, chất lượng các loại trái cây, thảo dược. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 560 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu.
Hướng tới Trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc
Việc phục hồi, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và việc thu hút các dự án trọng điểm, trong đó có các nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Chia sẻ kết quả công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021-2022 của tỉnh tăng trung bình 11,6%/năm, vượt mục tiêu 9,5%/năm theo Nghị quyết 06-NQ/TU đề ra. Hiện nay, tỉnh Sơn La đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phương án phát triển công nghiệp tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh theo hướng phát triển cơ sở công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu.
Tăng giá trị, giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sơn La đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản. Ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, hình thành các doanh nghiệp “đầu tàu” làm hạt nhân, thúc đẩy công nghiệp chế biến theo chuỗi liên kết, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Mục tiêu đặt ra phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh đạt 6.500 tỷ đồng.
Năm mới Giáp Thìn đã đến, với việc triển khai đồng bộ hiệu quả các giải pháp kỳ vọng công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh Sơn La sẽ phát triển, tạo động lực cùng các loại hình kinh tế khác đưa tỉnh trở thành Trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc và vì một Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!