Nâng cao trình độ sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Châu thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, mô hình khuyến nông, phát triển sản phẩm nông nghiệp an toàn...
Chiềng On là xã vùng cao biên giới, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Yên Châu. Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai mô hình nuôi gà đen thương phẩm, quy mô 1.000 con, với 10 hộ dân tham gia. Định kỳ, cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn nông dân biết cách sử dụng các loại thuốc phòng bệnh cho đàn gà... Đến nay, mô hình phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ tham gia.
Anh Vì Văn Tiến, bản Nà Dạ, xã Chiềng On, cho biết: Qua tham gia mô hình, tôi và các hộ dân khác được hướng dẫn, tập huấn về quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho gia cầm và áp dụng vào quá trình chăn nuôi của gia đình, đạt hiệu quả hơn.
Ông Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu, cho biết: Với 18 cán bộ, viên chức, hằng năm, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cán bộ phụ trách các xã rà soát nhu cầu của người dân, để tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phù hợp. Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm tổ chức 13 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho trên 500 lượt người dân tham gia về giải pháp quản lý sâu bệnh hại trên cây mận; kỹ thuật làm mạ khay và sử dụng máy cấy; kỹ thuật trồng, chăm sóc mít ruột đỏ IĐ1…
Trung tâm xây dựng 10 mô hình khuyến nông, như: Mít ruột đỏ IĐ1, quy mô 8 ha tại bản Khá, xã Sặp Vạt; ngô sinh khối, quy mô 10 ha tại xã Tú Nang; cà gai leo theo hướng hữu cơ, quy mô 1 ha tại bản Nà Đít, xã Chiềng On... Các mô hình thường xuyên có cán bộ theo dõi và hướng dẫn các hộ tham gia các mô hình cách chăm sóc, làm cỏ và bón phân theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo các loại cây trồng phát triển tốt.
Trong chăn nuôi, năm 2022, nông dân trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, khi liên tiếp xảy ra dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi. Trung tâm phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, hỗ trợ nông dân phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như khả năng nhận biết, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh đến người chăn nuôi.
Đồng thời, còn thường xuyên phối hợp với cán bộ thú y, các xã, thị trấn tổ chức tiêm phòng, phun thuốc khử trùng, phòng chống dịch bệnh; tiêu hủy gia súc mắc bệnh. Năm 2022, Trung tâm cấp 2.154 lít hoá chất tiêu độc, khử trùng môi trường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và hướng dẫn phun hoá chất theo đúng quy trình kỹ thuật tại 15 xã, thị trấn. Việc tiêm phòng thực hiện đúng kế hoạch, nghiêm túc. Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm triển khai tiêm gần 65.000 liều vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, ngăn chặn kịp thời và khống chế dịch hiệu quả, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ông Vũ Hải Yến cho biết thêm: Hiện nay, trên địa bàn huyện đang tập trung chăm sóc diện tích xoài và mận. Trung tâm chỉ đạo cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, phối hợp với cán bộ chuyên môn các xã hướng dẫn nhân dân và các HTX phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên cây xoài thời kỳ đậu quả, mận thời kỳ chuẩn bị cho thu hoạch, không để dịch bệnh xảy ra, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, đảm bảo thu nhập của nông dân.
Nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu tiếp tục tìm hiểu, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT phù hợp với nhu cầu của nhân dân; kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng KHKT phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, ứng phó biến đổi khí hậu và gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân. Kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng mô hình với đào tạo cán bộ kỹ thuật; tổ chức tham quan, hội thảo đầu bờ để nhân dân tiếp cận, nắm vững, làm chủ kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất một cách chủ động và quy mô...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!