Chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân

Nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó, nguồn nhân lực chất lượng là yếu quan trọng nhất, góp phần tạo ra giá trị và thương hiệu nông sản. Vì vậy, Hội Nông dân tỉnh đã và đang tập trung triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia các khóa đào tạo nâng cao tay nghề, giúp nông dân đáp ứng các yêu cầu của kinh tế nông nghiệp trong thời kỳ mới.

Mô hình lúa SRI của nông dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Từ thực tế, quy mô sản xuất cũng như chất lượng các loại nông sản của từng vùng trong tỉnh có sự chênh lệch. Một phần nguyên nhân là do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cũng như trình độ canh tác của nông dân khác nhau. Do vậy, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá năng lực, khả năng canh tác của nông dân. Trên cơ sở đó, triển khai việc đăng ký học nghề nông nghiệp của các hội viên, nông dân có nhu cầu học trực tiếp tại Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh. Đồng thời, phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện tổ chức các đợt chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hội viên, nông dân tại cơ sở.

Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho lao động nông thôn, Hội Nông dân tỉnh đã căn cứ vào nhu cầu của hội viên, nông dân và điều kiện thực tế của từng vùng. Từ đó, đã chỉ đạo Trung tâm hỗ trợ nông dân tổng hợp số học viên có cùng nhu cầu và theo từng vùng có điều kiện tự nhiên tương đồng để tổ chức các đợt dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, Hội đã đề nghị trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện chủ động hướng dẫn nông dân điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật thâm canh phù hợp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông sản.

Từ năm 2022 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh mở 20 lớp đào tạo, dạy nghề sơ chế và chế biến nông sản; trồng, chăm sóc các loại cây có múi; ươm giống cây trồng cho gần 800 hội viên, nông dân. Trong đó, 20% số học viên sau khi hoàn thành lớp đào tạo, đã được Trung tâm giới thiệu vào làm việc tại các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản và một số HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Anh Giàng A Chinh, bản Nậm Lộng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề sơ chế, bảo quản nông sản do Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức, trở về địa phương áp dụng sơ chế, bảo quản quả sơn tra, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Anh Giàng A Chinh chia sẻ: Bản Nậm Lộng chủ yếu trồng sơn tra, chất lượng quả rất tốt; tuy nhiên, do chưa có cơ sở sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, nên bà con chủ yếu bán quả tươi với giá thấp. Tham gia khóa đào tạo, tôi đã được tiếp thu các phương pháp bảo quản, sơ chế quả sau thu hoạch. Tôi cũng đã trao đổi những kiến thức này với bà con trong bản và cùng góp tiền đầu tư kho bảo quản lạnh 20 tấn, nhờ vậy, chúng tôi có thể cung cấp sản phẩm quả sơn tra và các sản phẩm nông sản khác quanh năm và không bị mất giá như trước.

Còn ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc HTX nông nghiệp Văn Phúc Yên, xã Mường Thải, huyện Phù Yên, cho biết: HTX trồng 20 ha cam và bưởi theo hướng hữu cơ. Để đảm bảo sản xuất đúng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, HTX ưu tiên tuyển chọn những lao động đã qua đào tạo nghề Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức, nên khả năng nắm bắt công việc và sự tỉ mỉ trong việc chăm sóc cây trồng rất tốt.

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh rà soát nhu cầu học nghề của hội viên, nông dân, cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn, để phối hợp tổ chức các khóa đào tạo nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng canh tác, nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật sản xuất hiện đại.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới