Với mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, huyện Sông Mã đã vận động người dân đưa cây quế vào trồng. Sau 4 tháng triển khai, đến nay, nông dân các xã Chiềng Cang, Mường Hung, Huổi Một, Nậm Mằn, Yên Hưng, Mường Lầm và Bó Sinh của huyện đã trồng khoảng 400 ha quế, cây quế đã bắt đầu bén rễ và sinh trưởng khỏe mạnh.
Hướng dẫn người dân xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã trồng quế.
Quế là cây lâm sản, ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, tất cả các bộ phận của cây quế, từ vỏ, gỗ, lá đến gốc rễ quế đều có giá trị sử dụng, nên cây quế được coi là cây trồng đa lợi ích, cho giá trị kinh tế, các sản phẩm quế trên thị trường tương đối ổn định. Ngày 23/5/2022, HĐND huyện Sông Mã đã ban hành Nghị quyết số 22 phê duyệt Đề án “Phát triển quế trên địa bàn huyện Sông Mã giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” với chủ trương phát triển trồng quế trên diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng; đất rừng sản xuất giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để trồng rừng hiện đang quản lý kém hiệu quả, không thành rừng; đất nông nghiệp được giao cho các hộ hiện đang sản xuất, canh tác kém hiệu quả...
Những ngày này, gia đình anh Lò Văn Duân, bản Chả, xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã tập trung làm cỏ, chăm sóc 4 ha quế đã trồng. Là một trong những hộ tiên phong trồng quế trong vùng, anh Duân, chia sẻ: Được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng với Công ty cổ phần sản xuất và thương mại CCP Sơn La (đơn vị cung cấp cây giống và cam kết bao tiêu sản phẩm) tuyên truyền, giải thích về những lợi ích từ trồng quế, nên gia đình quyết định trồng quế. Bắt đầu trồng từ tháng 4/2022, đến nay, gia đình tôi đã có 4 ha quế và dự kiến sẽ trồng thêm 1 ha nữa. Tỷ lệ quế sống đạt trên 90%, những cây quế bị chết được Công ty cấp bù cây giống để trồng thay thế.
Cũng như các hộ trồng quế ở Sông Mã, anh Lò Văn Hoàn ở bản Kéo, xã Huổi Một sau khi được tuyên truyền, vận động đã đầu tư trồng 2 ha quế ở đất nương của gia đình. Anh Hoàn chia sẻ: Trồng quế chỉ mất chi phí 10 triệu đồng để đầu tư cây giống lần đầu trồng 1 ha và khoảng 6 triệu đồng tiền phân bón lót, còn sau đó chỉ cần làm cỏ 2 lần/năm và hầu như không phải bón phân, chăm sóc nhiều. Trên diện tích trồng quế ở giai đoạn 4-5 năm đầu tiên vẫn có thể trồng xen ngô, sắn, nên gia đình sẽ có thêm nguồn thu.
Là đơn vị cung cấp cây giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người trồng quế huyện Sông Mã, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại CCP Sơn La cam kết cung cấp nguồn cây quế giống chất lượng. Ông Nguyễn Hồng Linh, Giám đốc Công ty, nói: Công ty cử cán bộ kỹ thuật đến tận nương, đồi để hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc quế đúng quy trình kỹ thuật. Hố trồng quế được đào với quy cách 40x40x20cm, 1 ha sẽ trồng 10.000 cây quế, giá 1 cây quế giống là 2.000 đồng, trong đó người dân chỉ phải trả trước 50% tiền giống, như vậy 1 ha trồng quế người dân ban đầu chỉ phải bỏ ra 10 triệu đồng tiền giống. Quế sau khoảng 4-5 năm trồng sẽ bắt đầu cho thu hoạch, tỉa cành lá để bán, cho thu nhập từ 20-30 triệu đồng. Tổng chu kỳ sản xuất 12 năm có thể đạt 485 triệu đồng (tính theo giá hiện nay). Công ty ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm quế cho bà con.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, thông tin: Mục tiêu năm 2022, huyện Sông Mã xây dựng mô hình và phát triển trồng được 1.000 ha quế trên địa bàn toàn huyện; giai đoạn 2023-2025 trồng mới khoảng 1.500-3.000 ha quế, phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện trồng 4.000 ha quế. Tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án khoảng 723 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách dự kiến hỗ trợ 15 tỷ đồng; còn lại là vốn của người dân, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác. Trong những năm đầu, khi cây quế chưa khép tán, có thể trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày để che bóng cho cây quế, chống xói mòn, rửa trôi cho đất, tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cây quế đang được người dân vùng biên giới Sông Mã đặt kỳ vọng là loại cây xóa đói nghèo, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đồng thời, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; hình thành và phát triển được các chuỗi giá trị lâm sản đặc thù; hoàn thành mục tiêu trồng mới 1.500 ha rừng tập trung, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 45% vào năm 2025.
Vĩnh Trinh (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!