Giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, khẳng định giá trị sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sông Mã triển khai nhiều giải pháp để nông dân tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Cùng anh Quàng Văn Kính, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện về xã Chiềng Khoong, một trong những xã có diện tích nhãn lớn của huyện. Anh Kính cho biết: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng và chăm sóc, nhãn đã trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn xã, giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng thành công thương hiệu nhãn Sông Mã.
Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, chia sẻ: Tôi được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo hướng VietGAP, nhờ vậy, năm 2018, sản phẩm nhãn của gia đình đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2023, tôi đăng ký làm sản phẩm OCOP long nhãn và đang được cán bộ Trung tâm hướng dẫn thực hiện.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện có 20 cán bộ, viên chức, người lao động. Hàng năm, cán bộ, viên chức được bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Trung tâm còn thường xuyên phối hợp với cán bộ địa chính, nông lâm xã, thú y xã bám nắm cơ sở, đồng hành cùng nhân dân sản xuất nông nghiệp, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học tập của bà con để tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, kết hợp trình diễn phù hợp với điều kiện thực tế từng cơ sở. Tuyên truyền trực tiếp, lồng ghép về áp dụng tiến bộ kỹ thuật để bà con sản xuất hiệu quả. Năm 2022, Trung tâm đã tổ chức 31 lớp tập huấn, hội thảo, với 1.880 người tham gia. Đồng thời, phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền 172 cuộc cho gần 3.400 người. Kiểm tra, giám sát các vùng sản xuất nông nghiệp đã được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo bà con duy trì sản xuất ổn định, an toàn theo các tiêu chuẩn, điều kiện về yêu cầu xuất khẩu. Tăng cường giám sát và hướng dẫn các hộ chăn nuôi phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Trung tâm còn xây dựng các mô hình kinh tế điểm, hướng dẫn bà con từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch, từ đó nhân rộng các mô hình. Từ năm 2020 đến nay, đã phối hợp với các xã, HTX, hộ dân triển khai 11 mô hình, như: Nho Hạ đen, quy mô 0,25 ha, sản lượng đạt 8 tấn/4 lứa; trồng cây thanh nhãn, xoài hơn 100 ha; 100 ha dứa Queen; khảo nghiệm giống lúa tẻ TBR89, nếp A Sào, phục tráng lúa tẻ I một, lúa nếp tan lương; gà thả vườn liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; nuôi dúi sinh sản, nuôi bò sinh sản, gà đẻ trứng. Các mô hình phù hợp với nhu cầu thực tế, được bà con ủng hộ cao.
Triển khai từ tháng 12/2022, mô hình nuôi gà đẻ trứng tại xã Chiềng Khương được xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô, lắp đặt hệ thống điện, máy sưởi, quạt gió theo hướng khoa học và hiện đại. Với quy mô hơn 5.000 con gà, trong đó có hơn 1.420 con do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ. Chị Trần Thị Yến, bản Thống Nhất, chủ mô hình, cho biết: Cán bộ của Trung tâm thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn gia đình cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia cầm. Giai đoạn đầu, gà cho thu hoạch 2.400 quả trứng/ngày, dự kiến giai đoạn sau, đàn gà phát triển ổn định sẽ cho thu 4.300 quả trứng/ngày.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Hiện nay, đơn vị đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 3 ha mô hình trồng rau chân vịt tại xã Yên Hưng, 4 ha cây ngô ngọt tại xã Chiềng Khương. Phối hợp với xã Chiềng Khương xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp bà con từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập.
Với những việc làm cụ thể, thiết thực, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã trở thành cầu nối đưa khoa học kỹ thuật đến với nhân dân, góp phần tích cực vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!