Bình ổn giá cả thị trường khi tăng mức lương cơ sở

Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức chính thức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng; lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng tăng 12,5%-20,8% đối với người hưởng lương hưu. Đây là mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay. Việc tăng lương mới thường kéo theo nỗi lo giá cả hàng hóa, sinh hoạt phí tăng... Song kỳ tăng lương lần này, giá cả hàng hóa có tăng, nhưng không đáng kể.

Thực tế, trong báo cáo tình hình biến động giá tiêu dùng tháng 7/2023 của Cục Thống kê tỉnh đánh giá, chỉ số CPI tháng 7/2023 trên địa bàn Sơn La tăng 0,49%, trong đó khu vực thành thị tăng 0,50%, khu vực nông thôn tăng 0,48%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá, 1 nhóm hàng giảm giá, 1 nhóm hàng không thay đổi giá. Cụ thể, nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống; đồ uống, thuốc lá; nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng; thiết bị, đồ dùng gia đình... tăng 1,91%. Nhóm nhà ở điện nước chất đốt tăng 1,2% do giá bán lẻ điện áp dụng từ ngày 4/5/2023; nước sinh hoạt tăng do sản lượng tiêu thụ trong tháng tăng. Các nhóm ngành còn lại tăng từ 0,03-0,67%.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại một cửa hàng trên địa bàn Thành phố.

Bà Vũ Thị Huấn, cán bộ hưu trí, tổ 5, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, chia sẻ: Chủ trương tăng lương của Chính phủ là tích cực, người hưởng lương như chúng tôi mong mỏi nhiều năm nay. Trước đây, thực tế mỗi khi lương tăng thường kéo theo giá cả hàng hóa, sinh hoạt phí tăng lên cao. Qua thực tế lần này, lương hưu mới tôi đã nhận, song thị trường hàng tiêu dùng từ dầu ăn, nước giặt... cho đến thịt, cá có tăng giá, nhưng không đáng kể so với trước đây.

Chị Hoàng Thị Thu Hoài là công chức Nhà nước, nói: Tôi thường xuyên đi chợ mua thức ăn cho gia đình, trong tháng 7, giá thịt lợn ở các chợ đều tăng từ 5-10 nghìn đồng/kg tùy loại thịt. Bên cạnh đó, giá điện, nước, đồ dùng gia đình, thuốc cũng có tăng.

Nhóm tiêu dùng về thực phẩm được hầu hết các hộ quan tâm, nhưng trong báo cáo của Cục Thống kê thì chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,92% so với tháng trước, trong đó, giá thịt gia súc tăng 1,52%, cao nhất là giá thịt lợn tăng 2,32%. Tiếp đến, giá rau tươi, khô và chế biến tăng khoảng 1,28%... Nói về việc các mặt hàng thực phẩm tăng trong thời gian gần đây, bà Lê Thị Hà, hộ kinh doanh thịt lợn tại chợ Rặng Tếch, cho biết: Giá thịt lợn có tăng lên, do thị trường chung của thịt lợn hơi tăng. Chúng tôi nhập vào cũng cao hơn trước, nên thực chất tăng giá nhưng người bán hàng không được lãi hơn, người tiêu dùng cũng chấp nhận được.

Trong tháng 7, giá thịt lợn tăng 2,32%.

Việc tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023 áp dụng trên 9 nhóm đối tượng được xem là tín hiệu rất đáng mừng trong nỗ lực cải cách tiền lương của Chính phủ, là yếu tố tích cực kích thích nhu cầu sản xuất, tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cho biết: So với tháng trước do ảnh hưởng của giá điện sinh hoạt tiếp tục tăng và mức lương cơ sở áp dụng 1,8 triệu đồng cũng khiến giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ tháng 7/2023 có xu hướng tăng nhẹ.

Để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, các cấp, ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý, điều hành bình ổn giá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, tiểu thương không tăng giá bán bất hợp lý, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới