Bảo vệ môi trường trong sơ chế, chế biến cà phê

Niên vụ năm 2023-2024, huyện Mai Sơn có trên 8.500 ha cà phê; trong đó, gần 6.200 ha cho thu hoạch quả, sản lượng quả tươi ước đạt hơn 95.700 tấn. Thời điểm này, đang bước vào mùa thu hoạch, sản xuất và chế biến cà phê, huyện Mai Sơn tập trung cao cho việc vừa đảm bảo sản xuất, tiêu thụ, vừa chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến cà phê.

Năm nay, ngoài các nhà máy của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, Công ty cổ phần chế biến Cà phê Sơn La và Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh; toàn huyện Mai Sơn có 145 hộ đăng ký hoạt động sơ chế cà phê.

Khu xử lý nước thải cà phê tại Công ty cổ phần chế biến Cà phê Sơn La.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện đã tổ chức Hội nghị ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường năm 2023; kiện toàn Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; ban hành kế hoạch thực hiện công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản niên vụ 2023-2024.

Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã ký cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động sơ chế nông sản đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quản lý. Đến nay, qua kiểm tra, rà soát, cơ bản các hộ đã lắp đặt hệ thống camera giám sát khu vực xử lý nước thải và đào hố đất chứa tạm, có lót bạt HDPE chống thấm đủ dung tích để chứa lượng nước thải phát sinh, dẫn ra vườn cây.

Anh Nguyễn Văn Mùi, thôn 6, xã Chiềng Mung, chủ cơ sở chế biến cà phê cho biết, cho biết: Xưởng của tôi hiện có 2 máy xay sát vỏ cà phê tươi, 1 lò sấy, trung bình công xuất đạt 10 tấn cà phê/ngày. Xưởng đã xây dựng 2 bể chứa nước thải với thể tích 15.000m3, lót bạt chống thấm HDPE. Xử lý mùi hôi,  sử dụng men vi sinh cho xuống bể, lượng nước thải sẽ được quay trở lại tưới cho cây trồng trong vườn. Ngay từ cuối tháng 10, chúng tôi đã bắt đầu thu mua cà phê cho bà con. Tuy nhiên, do đầu vụ, giá cà phê tăng, giảm thất thường, nên xưởng còn hoạt động cầm chừng.

Đoàn kiểm tra liên ngành xã Chiềng Mung kiểm tra khu xử lý nước thải của các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn.

Cùng đoàn kiểm tra của xã Chiềng Mung đi kiểm tra các cơ sở chế biến cà phê, ông Vũ Duy Hùng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Qua kiểm tra, nắm tình hình, xã có 23 hộ đăng ký sơ chế cà phê quả tươi, cơ bản nước thải được thu gom, xử lý, lưu chứa tại các hồ chứa. Tuy nhiên, qua rà soát vẫn có hiện tượng lén lút xả nước thải ra rãnh, mương thoát nước chung. Tổ kiểm tra liên ngành của xã sẽ tiếp tục kiểm tra; chỉ đạo các các thôn, bản, nơi có hộ sơ chế cà phê tăng cường giám sát, báo cáo về xã, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thời điểm nay, huyện Mai Sơn chưa xảy ra tình trạng ô nhiễm do hoạt động sơ chế cà phê. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường còn khó khăn, vướng mắc, do đối tượng tác động trực tiếp đến môi trường chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sơ chế nông sản, nhưng không có đủ quỹ đất để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn. Các đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn chống đối, trốn tránh khi kiểm tra... gây khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, việc xác định chính xác chủ thể, nguyên nhân gây ô nhiễm còn gặp khó khăn do địa hình khu vục chủ yếu là hang karts...

Đoàn kiểm tra liên ngành của xã Chiềng Mung tuyên truyền các hộ dân đảm bảo vệ sinh môi trường trong sơ chế cà phê.

Giải quyết các vướng mắc trên, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và đất đai đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân trên hệ thống loa phát thanh của các bản, tiểu khu; tăng cường vận động người dân, cộng đồng dân cư tích cực đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra, giám sát các hộ thực hiện sơ chế, chế biến cà phê, xử lý nghiêm các trường hợp không có biện pháp thu gom, xử lý, lưu chứa lượng nước thải phát sinh hoặc xả nước thải sơ chế cà phê ra môi trường. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, hoàn thiện hồ sơ và chuyển vụ việc vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Kiên quyết không để cơ sở chưa có giải pháp về bảo vệ môi trường trong sơ chế nông sản được hoạt động.

Việc phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến cà phê hiệu quả, cần có sự quyết tâm vào cuộc chủ động của các cấp, các ngành, địa phương. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở chế biến cà phê, góp phần đảm bảo môi trường trên địa bàn. 

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới