Rốn lũ Chiềng Nơi bước vào năm học mới

Ngày khai giảng đã gần kề, nhiều địa phương đã ổn định trường lớp, sẵn sàng cho năm học mới, nhưng ở rốn lũ xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, các thầy cô, phụ huynh và học sinh vẫn còn ngổn ngang bao nỗi âu lo. Cấp ủy, chính quyền, các trường vẫn đang nỗ lực chuẩn bị điều kiện đón học sinh đến lớp với tinh thần vượt khó mạnh mẽ.

Giọng nữ

Nỗ lực khắc phục sau lũ

Cách đây hơn một tháng, trận lũ quét xảy ra trên địa bàn xã Chiềng Nơi vào rạng sáng ngày 24/7 đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản. Toàn bộ Trường Tiểu học Chiềng Nơi bị ngập dưới bùn đất, đá; nhiều hạng mục công trình bị sập đổ, hư hỏng; bàn ghế, sách vở, máy tính, trang thiết bị học tập, thiết bị nhà bếp, chăn màn ngập trong nước; nhiều thầy, cô giáo và gia đình các em học sinh có nhà ở bị lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng nề.

Cầu treo qua suối từ bản Nhụng Dưới đến Trường Tiểu học Chiềng Nơi bị mưa lũ cuốn trôi hoàn toàn.

Mất hơn 3 giờ, vượt quãng đường hơn 100 km từ thành phố Sơn La đến trung tâm xã Chiềng Nơi vẫn còn nhiều điểm sạt lở taluy dương, taluy âm với khối lượng đất, đá lấp đầy mặt đường, chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Chiềng Nơi. Rất đông các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh đang tập trung dọn dẹp, hoàn thiện công việc chuẩn bị bước vào năm học mới.

Nhà trường được hỗ trợ khoan giếng nước.

Đưa tay chỉ những vệt màu nâu sẫm trên tường, dấu vết còn lại của bùn vùi lấp, thầy giáo Hoàng Minh Công, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Do khối lượng bùn quá nhiều nên việc dọn dẹp mất rất nhiều ngày. Nhờ được các tổ chức, cá nhân, người dân và lực lượng xung kích tại xã và các địa phương lân cận giúp đỡ, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Nhà trường còn được các tổ chức, cá nhân tặng máy lọc nước, tủ lạnh, bàn ghế học sinh, nồi cơm điện và một số đồ dùng thiết yếu khác. Nhất là việc được hỗ trợ khoan giếng nước, giúp nhà trường đảm bảo nước phục vụ dạy và học trong năm học mới.

Các thầy cô giáo và phụ huynh tập trung dọn dẹp khuôn viên trường sau lũ.

Vừa hót chỗ đất sạt mé tường rào, cô giáo Cầm Thị Sương cho biết: Hôm nay là ngày thứ 33, giáo viên của trường tập trung dọn dẹp với tinh thần đoàn kết cao nhất, chúng tôi cố gắng hết sức để sớm đón các em học sinh khi trường, lớp sạch sẽ, an toàn nhất.

Các phụ huynh tích cực hỗ trợ nhà trường khắc phục hậu quả mưa lũ.

Ngoài các thầy cô, nhiều phụ huynh cũng tranh thủ đến hỗ trợ nhà trường khắc phục hậu quả mưa lũ. Cẩn thận buộc lại hàng rào bị đổ, ông Cầm Văn Khởi, bản Nhụng Trên, nói: Gác lại mọi công việc của gia đình, mấy hôm nay, tôi đến giúp thầy trò nhà trường dọn dẹp vệ sinh sân trường và lau các phòng học, để con em mình được vào học đúng thời gian.

Gian nan đường đến trường

Với sự chung tay hỗ trợ của thầy cô, phụ huynh học sinh, công tác dọn dẹp chuẩn bị cho năm học mới tại điểm trường trung tâm đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, tại hai điểm trường Huổi Sàng, Cho Cong đang vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Phụ huynh cõng con qua suối đến điểm trường Huổi Sàng.
Ảnh: Xuân Thành (Trường Tiểu học Chiềng Nơi)

Cho chúng tôi xem hình ảnh phụ huynh đã phải liều mình cõng con vượt suối dữ, nước chảy xiết, mực nước cao ngang nách người đến điểm trường Huổi Sàng sáng 28/8, thầy giáo Bùi Xuân Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Nơi, phụ trách điểm trường, xúc động: Đường đến trường của các em vẫn còn gian nan lắm! Do cầu đã bị lũ cuốn trôi, để vào điểm trường, cách duy nhất là lội qua suối. Thời điểm này, ngày nào cũng mưa, nước chảy rất siết, vì vậy càng khó khăn. Chủ trương làm cầu đã được UBND tỉnh thông qua, tuy nhiên, phải qua mùa mưa mới triển khai được. Trước mắt, khi bước vào năm học mới, đầu tuần phụ huynh đưa các em qua suối đến trường, ở lại đến cuối tuần mới đón con về. Năm học 2024-2025, điểm trường có 7 phòng học, với 12 giáo viên, nhân viên và 233 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú. 

Cầu tạm đến điểm trường Co Cong.

Tại điểm trường Cho Cong, cách trung tâm xã 12 km, với gần 150 học sinh bậc mầm non và tiểu học đang theo học. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi cây cầu bắc qua suối. Đảm bảo đường đến trường cho con em mình, phụ huynh trong bản đã chặt tre làm cây cầu tạm. Tuy nhiên, nếu mưa to, nước suối về có thể cuốn trôi cây cầu bất cứ lúc nào.

Quyết tâm đưa học sinh trở lại trường 

Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Chiềng Nơi đón 750 học sinh, 29 lớp của 5 khối lớp. Cùng với tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, việc chuẩn bị cho khai giảng năm học mới vẫn được thầy và trò nhà trường tích cực chuẩn bị; giáo viên lặn lội vào các bản, đến từng nhà vận động phụ huynh đưa học sinh tới lớp đúng ngày khai giảng.

Các em học sinh chuẩn bị tiết mục văn nghệ cho Lễ khai giảng.

Đã một tuần nay, em Cầm Thị Huyền Như, học sinh lớp 5, nhà ở bản Nhụng Dưới, cùng các bạn trong đội văn nghệ tích cực luyện tập chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học mới. Khai giảng năm nay là một lễ khai giảng đặc biệt đối với Như bởi không chỉ là năm cuối cấp mà còn bởi ngôi trường mà em đã gắn bó vừa trải qua một trận lũ quét. Tranh thủ sau các giờ luyện tập, Như cùng các bạn lại giúp thầy cô dọn dẹp các lớp học.

Lãnh đạo xã và trường bàn phương án làm cầu tạm đến điểm trưởng Huổi Sàng.

Ông Mùa A Sồng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Nơi, cho biết: Hiện tại, cầu treo dẫn đến điểm trung tâm của Trường tiểu học Chiềng Nơi đã bị mưa lũ phá hủy hoàn toàn; còn cầu tràn cũng bị phá hủy một phần, nếu mưa lớn kéo dài bị nhấn chìm trong nước, không thể đi qua. Nhiều cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm ủng hộ, hỗ trợ, tuy nhiên, do thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, việc khởi công xây dựng cầu chưa triển khai được. Trước mắt, xã sẽ huy động nhân dân làm cầu tạm qua suối, đảm bảo việc đi lại cho người dân và học sinh đến trường an toàn.

Học sinh Trường Tiểu học Chiềng Nơi tựu trường năm học 2024-2025.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự kiên cường, nỗ lực không biết mệt mỏi của các thầy cô, phụ huynh và học sinh, tin rằng, năm học mới ở Trường Tiểu học Chiềng Nơi sẽ diễn ra đúng kế hoạch, trong điều kiện tốt nhất của nhà trường. Một năm học mới với niềm tin và quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Trường THPT Mai Sơn ôn luyện cho học sinh thi tốt nghiệp

    Trường THPT Mai Sơn ôn luyện cho học sinh thi tốt nghiệp

    Khoa Giáo -
    Năm học 2024-2025, Trường THPT Mai Sơn, huyện Mai Sơn, có 500 học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để học sinh đạt kết quả tốt, nhà trường đã tập trung ôn luyện, kết hợp thi thử, phân loại học sinh và xây dựng phương án bồi dưỡng phù hợp, giúp học sinh nắm vững kiến thức, tự tin bước vào kỳ thi.
  • 'Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em

    Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em

    Sức khỏe -
    Với mục tiêu mỗi năm toàn tỉnh giảm 1,3% số trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi, giảm 1% số trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tạo điều kiện cho bà mẹ, trẻ em được tiếp cận những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu; quan tâm cải thiện dinh dưỡng phụ nữ mang thai và trẻ em tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
  • '“Hát đưa dâu - đón rể ngày nay của dân tộc Thái vùng Sốp Cộp - Sơn La”

    “Hát đưa dâu - đón rể ngày nay của dân tộc Thái vùng Sốp Cộp - Sơn La”

    Văn hóa - Xã hội -
    Cuốn sách “Hát đưa dâu - đón rể ngày nay của dân tộc Thái vùng Sốp Cộp - Sơn La” là một công trình nghiên cứu sâu sắc về nghi lễ hôn nhân truyền thống của người Thái tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Giúp bạn đọc hiểu rõ về các bài hát, nghi thức và phong tục trong đám cưới, phản ánh sự giao thoa giữa văn hóa cổ truyền và đời sống hiện đại của đồng bào dân tộc Thái. Thư viện tỉnh giới thiệu cuốn sách do Nghệ nhân ưu tú Lò Minh Ón sưu tầm, biên soạn và sáng tác, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La phát hành năm 2017.
  • 'Tạo động lực phát triển kinh tế du lịch

    Tạo động lực phát triển kinh tế du lịch

    Du lịch -
    Cao nguyên Mộc Châu vừa có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, vừa có nhiều nét đặc sắc của cộng đồng 12 dân tộc anh em. Đánh thức tiềm năng, lợi thế này, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đang chung tay khai thác giá trị văn hóa mang lại lợi ích kép cho phát triển kinh tế du lịch và văn hóa địa phương.
  • 'Tổng Bí thư Tô Lâm viếng đồng chí Khamtay Siphandone

    Tổng Bí thư Tô Lâm viếng đồng chí Khamtay Siphandone

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 3-4, được tin đồng chí Đại tướng Khamtay Siphandone, nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ trần, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam sang viếng đồng chí Khamtay Siphandone.
  • 'An nguy quốc gia là vấn đề căn cơ, hệ trọng

    An nguy quốc gia là vấn đề căn cơ, hệ trọng

    Ngay sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành kết luận chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng không tổ chức đơn vị cấp huyện và giao Quân ủy Trung ương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương này trong Quân đội, Bộ Quốc phòng đã khẩn trương tiến hành các bước hoàn thiện. Thế nhưng, xung quanh vấn đề rất quan trọng này, vẫn có những nhận thức chưa đúng của một số người. Trong khi đó, có những cá nhân thiếu hiểu biết và không có tính xây dựng, có những bài viết bịa đặt, châm chọc, bóp méo việc này trên mạng xã hội.
  • 'Đồng hành xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

    Đồng hành xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

    VNPT Sơn La -
    Bám sát chỉ tiêu, định hướng của tỉnh, VNPT Sơn La đã nghiên cứu, triển khai nhiều dịch vụ, giải pháp công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số phù hợp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cung cấp các giải pháp, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh.
  • 'Khởi sắc Mường Khiêng

    Khởi sắc Mường Khiêng

    Kinh tế -
    Đi theo tỉnh lộ 116, chúng tôi đến xã đặc biệt khó khăn Mường Khiêng, huyện Thuận Châu. Sau nhiều năm trở lại, không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay rõ nét. Những con đường gập ghềnh, lầy lội nay đã được thay thế bằng mặt đường nhựa phẳng lỳ, rộng rãi. Nông dân đang tất bật thu hoạch sắn, những chuyến xe ra vào tận chân đồi để thu mua sắn, tạo nên không khí nhộn nhịp của vùng đất này.