Mùa xuân mới, nắng ấm chan hòa trên khắp các nương đồi trải dài màu xanh của cây ăn quả, của cây chè, cà phê... mang theo ước vọng về một năm mới thịnh vượng. Trong không khí ấm áp của ngày đầu xuân, chúng tôi về các miền quê, nơi có câu chuyện về những người nông dân cần cù, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm để làm giàu cho gia đình và quê hương.
Khởi nghiệp ở vùng biên
Gần gũi, thân thiện, năng động, là cảm nhận của chúng tôi khi trò chuyện với anh Trần Như Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu. Trong câu chuyện, chúng tôi thêm cảm mến anh về ý chí vượt khó vươn lên.
Sinh ra và lớn lên tại quê hương Hà Nam, năm 1993, anh Kiên rời quê hương lên lập nghiệp tại xã Lóng Phiêng. Trải qua bao thăng trầm, đến hôm nay, anh Kiên là nông dân tiêu biểu xuất sắc toàn quốc.
Nhớ lại những ngày đầu phát triển kinh tế, anh Kiên kể: Sau khi lập gia đình vào năm 1999, tôi đầu tư mua đất trồng khoai, sắn, rồi trồng nhãn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2007, tôi vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu để đầu tư xây dựng chuồng và mua 10 con lợn nái về nuôi để lấy giống nuôi lợn thương phẩm theo hướng an toàn sinh học. Đến năm 2009, bán 60 tấn lợn hơi, trừ chi phí thu 500 triệu đồng, trả hết nợ ngân hàng, số tiền còn lại đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.
Trong quá trình chăn nuôi, anh Kiên tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn; chuồng nuôi được xây hiện đại bảo đảm ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè và luôn được vệ sinh sạch sẽ. Hiện nay, gia đình có 60 con lợn giống, mỗi năm đẻ hơn 1.000 con lợn con, anh giữ lại nuôi lợn thương phẩm theo hướng VietGAP. Năm 2024, gia đình bán 170 tấn thịt lợn hơi, trừ chi phí thu 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn nuôi 1 vạn con gà, mỗi năm xuất bán 50 tấn gà thương phẩm, trừ chi phí thu 450 triệu đồng.
Trong trồng trọt, anh Kiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Anh chia sẻ thêm: Tôi đã cắt ghép cải tạo vườn nhãn bằng giống nhãn chín muộn; trồng 1 ha xoài và 1 ha na. Tất cả diện tích cây ăn quả đều được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2024, sản lượng đạt 50 tấn quả các loại, trừ chi phí thu 600 triệu đồng.
Năm 2016, anh Kiên đã vận động một số hộ dân trong bản thành lập Hợp tác xã Phương Nam, do anh làm Giám đốc, với 10 thành viên chính thức và 30 thành viên liên kết. Những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình sản xuất, anh trao đổi với các thành viên, giúp các thành viên nắm vững quy trình sản xuất. Hiện nay, HTX có 35 ha nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 65 ha được cấp mã số vùng trồng; 100% diện tích nhãn của HTX được chứng nhận an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sản phẩm quả nhãn của HTX được tiêu thụ tại các siêu thị lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Nguyên... và xuất khẩu sang thị trường: Mỹ, Trung Quốc. Nhờ vậy thu nhập bình quân của hộ thành viên HTX đạt từ 400-600 triệu đồng/hộ/năm.
Đã hai lần (2015 và 2020), anh Trần Như Kiên được dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc; năm 2023, anh là nông dân duy nhất của tỉnh được công nhận nông dân điển hình xuất sắc toàn quốc. Anh được tặng nhiều bằng khen của các cấp về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi.
Tâm huyết với cây chè
Về xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, mọi người đều nhắc đến chị Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, từng bước xây dựng và đưa thương hiệu chè Trọng Nguyên vươn tầm thế giới.
Trước năm 2013, cây chè tưởng như không trụ được ở mảnh đất này, do biến động của thị trường, nên nhiều hộ dân bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, có ý định chặt bỏ chè để chuyển sang trồng loại cây khác. Quyết tâm vực lại cây chè và mong muốn xây dựng thương hiệu riêng, năm 2013, chị Bình cùng 9 hộ đã đăng ký thành lập HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận. Mục tiêu ban đầu là thu mua một phần chè búp tươi cho nhân dân trong bản, trong xã và sơ chế, bán sản phẩm thô cho các xí nghiệp, nhà máy trên địa bàn huyện.
Năm 2018, chị Bình và một số thành viên của HTX về tỉnh Thái Nguyên học tập phương pháp sản xuất và xây dựng thương hiệu chè. Cùng năm đó, huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu tập thể cho 3 đơn vị sản xuất chè, trong đó có HTX của chị. HTX xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất với 2 loại chè Shan Tuyết và Kim Tuyên.
HTX có 26 thành viên, quy mô sản xuất trên 400 hà chè; liên kết thu mua, bao tiêu sản phẩm cho hơn 400 hộ dân với gần 500 ha chè tại các xã Phổng Lái, Phổng Lập, Chiềng Pha, Mường É và một số xã lân cận của huyện Quỳnh Nhai, chế biến từ 400-500 tấn chè thành phẩm/năm, xuất bán ra thị trường Đài Loan thông qua một số công ty ở thành phố Hà Nội. Năm 2019, HTX cho ra mắt sản phẩm chè Trọng Nguyên với thành phần từ chè Shan Tuyết và Kim Tuyên, được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Chè Trọng Nguyên không chỉ là hành trình xây dựng thương hiệu, mà còn minh chứng cho sự kiên trì, sự năng động trong đổi mới của chị Bình và các thành viên HTX.
Trái "vàng" dưới chân đèo Lũng Lô
Hơn 10 năm gắn bó với các loại cây ăn quả có múi và góp phần xây dựng thương hiệu Cam Phù Yên, ông Nguyễn Duy Khanh, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, là một trong những người đầu tiên hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất dốc và tham gia sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Giá trị hàng hóa từ các loại cây ăn quả có múi cao hơn hẳn so với việc trồng ngô, trồng sắn trước đây, đã tạo đà cho hơn 10 hộ dân trong bản liên kết thành lập HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng để xây dựng thương hiệu và ký các hợp đồng kinh doanh thuận lợi hơn.
Ông Khanh chia sẻ: Với hơn 4 ha đất đồi, dốc chuyển sang trồng cây ăn quả có múi từ năm 2013 đã đem lại thu nhập cao cho gia đình. Năng suất quả các loại đạt bình quân từ 15-20 tấn quả/ha, trừ chi phí thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên. Nổi bật là sản phẩm quýt ngọt của HTX đang được người tiêu dùng đón nhận. Năm 2021, HTX thử nghiệm trên 5 ha cây quýt ngọt và duy trì đến hôm nay.
Các cây trồng chủ lực của HTX hiện có là cam đường canh, bưởi da xanh cùng quýt ngọt với tổng diện tích là 35 ha. Trước yêu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao, từ năm 2014, ông Khanh và các thành viên đã chủ động thực hiện quy trình sản xuất VietGAP. Đến năm 2017, một số thành viên đã tiến hành cải tạo vườn và chuyển hướng sản xuất hữu cơ. Nhờ vậy, sản phẩm quả của HTX có đầu ra ổn định, giá bán bình quân 30.000 đồng/kg trở lên.
Ông Khanh cho biết thêm: Các thành viên đã và đang học cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp, nhất là hướng đến sản xuất hữu cơ. Sản xuất theo hướng này, cây trồng khỏe hơn, khả năng chống chịu sâu bệnh hại cây trồng cao hơn. Mức độ thoái hóa của các mắt ghép chậm lại đáng kể, giúp kéo dài được nhiều vụ sản xuất.
Trồng cây ăn quả tại bản Nghĩa Hưng là mô hình mẫu, địa chỉ uy tín để nông dân các xã trong huyện học hỏi làm theo. Ông Khanh và các thành viên HTX luôn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm với mong muốn hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, góp sức cùng địa phương xóa đói, giảm nghèo.
Những triệu phú nông dân trong tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều. Toàn tỉnh hiện có trên 30.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, có 5 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”; 3 “Nhà khoa học của nhà nông”.
Với sự mạnh dạn học hỏi, tiếp thu những tiến bộ trong sản xuất cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Sơn La đã vươn lên trở thành những triệu phú, tỷ phú. Trong thời kỳ hội nhập, nông dân Sơn La luôn năng động, dám thay đổi để có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Và để mỗi mùa xuân thêm đủ đầy, ấm no, hạnh phúc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!