Diễn đàn cử tri

Công khai giá chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm; hỗ trợ kinh phí các Nhóm liên gia tự quản; cấp kinh phí sửa chữa bảo trì một số vị trí trên Quốc lộ 279D; đảm bảo lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày

Giọng nữ

Cử tri xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai kiến nghị: Đề nghị Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La thực hiện công khai giá chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) hàng năm đến các bản và nhân dân nơi địa phương có diện tích rừng được chi trả theo quy định. Hiện nay, mức giá thay đổi theo từng năm, năm 2023, chi trả 575.548.000đ/ha, năm 2024 chi trả 481.050.000đ/ha.

UBND tỉnh trả lời: Nguyên nhân đơn giá có sự khác nhau giữa các vùng rừng trên địa bàn cũng như nguyên nhân mức chi trả khác nhau giữa các năm: Số tiền chi trả DVMTR cho bên cung ứng DVMTR (chủ rừng) hằng năm là khoản tiền do đơn vị sử dụng DVMTR (nhà máy thủy điện, nước sạch...) ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trong năm đó được tính toán, xác định theo quy định. Số tiền chi trả DVMTR cho các chủ rừng hoàn toàn phụ thuộc vào việc các đơn vị sử dụng DVMTR trả nhiều hay ít. Nếu lưu vực nào có nhiều đơn vị sử dụng dịch vụ, sản lượng (điện thương phẩm, nước thương phẩm...) của các đơn vị cao thì tiền DVMTR thu được càng nhiều dẫn đến đơn giá chi trả cho các chủ rừng càng cao và ngược lại.

Thực hiện quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ, hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phê duyệt diện tích và số tiền chi trả cho bên cung ứng DVMTR từ nhiều bên sử dụng DVMTR, đồng thời, công khai diện tích, số tiền được chi trả DVMTR gửi UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn.

Cử tri xã Yên Sơn, huyện Yên Châu đề nghị: Cấp có thẩm quyền xem xét có chế độ hỗ trợ kinh phí cho các Nhóm liên gia tự quản để phục vụ hoạt động.

UBND tỉnh trả lời: Toàn tỉnh có 93 mô hình bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, trong đó “nhóm liên gia tự quản” về an ninh, trật tự là một trong các mô hình bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Mô hình hoạt động mang tính cộng đồng tự nguyện, nên kinh phí hoạt động do các hộ trong nhóm bàn bạc, thống nhất tự nguyện đóng góp, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của chính quyền.

Để hỗ trợ hoạt động của “nhóm liên gia tự quản” về an ninh trong công tác phòng, chống kiểm soát ma túy; UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động của “nhóm liên gia tự quản” về sổ, bút, VPP, chè nước từ năm 2014. Hiện tại, Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 về ban hành chính sách phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tỉnh đến năm 2025, quy định chính sách hỗ trợ hoạt động của nhóm liên gia tự quản, như sau: Nhóm liên gia tự quản dưới 15 hộ 300.000 đồng/nhóm/năm; Nhóm liên gia tự quản từ 15-30 hộ 400.000 đồng/nhóm/năm; Nhóm liên gia tự quản trên 30 hộ 500.000 đồng/nhóm/năm.

Như vậy, theo các quy định hiện hành không có chính sách hỗ trợ cho hoạt động của các mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại cơ sở nói chung và hoạt động của “nhóm liên gia tự quản” về an ninh, trật tự nói riêng.

Cử tri xã Tạ Bú, huyện Mường La đề nghị: Bộ Giao thông - Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam sớm cấp kinh phí triển khai kế hoạch sửa chữa đoạn tuyến từ Km71+300-Km80+00 trong kế hoạch bảo trì Quốc lộ 279D trong năm 2025.

UBND tỉnh trả lời: Sở GTVT đã trình Cục Đường bộ Việt Nam tại Tờ trình số 2523/TTr-SGTVT ngày 18/8/2024 về việc cho phép sửa chữa đột xuất 2 cầu và bổ sung hệ thống thoát nước và gia cố mở rộng lề đường một số vị trí, đoạn tuyến trên QL.279D và QL.4G, tỉnh Sơn La; trong đó, có nội dung bổ sung cống, rãnh trong đoạn tuyến Km71+300-Km80+000, QL.279D nhằm khắc phục kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Cục Đường bộ Việt Nam chưa có ý kiến trả lời. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị sớm cấp kinh phí, triển khai sửa chữa đoạn tuyến từ Km71+300-Km80+000, QL.279D.

Cử tri tiểu khu 8, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn đề nghị: Khảo sát, lập phương án nạo vét, cải tạo hồ Nà Bó, hiện tại, khối lượng đất bồi đắp rất lớn, lòng hồ bị thu hẹp không đảm bảo lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân sinh sống nơi hạ du.

UBND tỉnh trả lời: Hiện trạng lòng hồ do nước mưa, lũ kéo theo bùn đất gây bồi đắp lòng hồ với khối lượng khoảng 150.000m³. Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi đang đề nghị UBND xã Nà Bó, Chi nhánh thủy lợi tại Mai Sơn tiếp tục khảo sát, tìm địa điểm bãi đổ thải với khối lượng khoảng 150.000m3. Sau khi thống nhất được vị trí bãi đổ thải, Công ty phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT lập hồ sơ dự án nạo vét lòng hồ trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện.

Quỳnh Ngọc (TH)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới