Một số vấn đề cử tri quan tâm: Khắc phục rãnh thoát nước ngầm tuyến quốc lộ 37; Có phương án hỗ trợ các hộ bản Suối Bục cũ; Xem xét sửa đổi Nghị quyết số 80/2024/NQ-HĐND; Ban hành cơ chế, chính sách về thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV
Cử tri các xã Phiêng Pằn, Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, đề nghị các cấp, ngành nghiên cứu có biện pháp khắc phục rãnh thoát nước ngầm tuyến quốc lộ 37 đoạn trung tâm xã Phiêng Pằn hiện nay đã bị tắc, khi trời mưa to làm trôi đất, đá, nước ngập gây ảnh hưởng tới nhân dân khi tham gia giao thông và cống ngầm đoạn bản Mật, xã Chiềng Lương. Hiện nay, cống này xây dựng thấp hơn rãnh thoát nước nên thường xuyên bị ngập nước khi trời mưa.
UBND tỉnh trả lời: Sở Xây dựng đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra hiện trường thống nhất giải pháp khắc phục; đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì đường bộ, Công ty cổ phần QLSC&XDCT giao thông II Sơn La (nhà thầu quản lý bảo dưỡng thường xuyên tuyến) tập trung máy móc nhân lực nạo vét, khơi thông toàn bộ rãnh kín có nắp đậy 2 bên đường khu vực trung tâm xã Phiêng Pằn từ Km486+690-Km486+970; nạo vét hố tụ lòng cống tại Km486+714, QL.37 và đoạn rãnh dọc 2 bên tuyến Km470+920-Km471+000, QL.37, bao gồm đoạn cống rãnh dọc vào bản Mật, xã Chiềng Lương từ Km470+960-Km470+970, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Cử tri xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, đề nghị UBND tỉnh xem xét có phương án hỗ trợ đối với các hộ dân thuộc bản Suối Bục cũ đảm bảo cho người dân được hưởng các chế độ chính sách, chương trình, dự án như đối với bản đặc biệt khó khăn.
UBND tỉnh trả lời: Căn cứ các Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, gồm: Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021; Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 (thay thế Quyết định số 433/QĐ-UBDT); Quyết định số 497/QĐ-UBDT ngày 30/7/2024, bản Yên Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên là bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời được hưởng các chế độ chính sách, chương trình, dự án áp dụng đối với bản đặc biệt khó khăn.
Cử tri xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi Nghị quyết số 80/2024/NQ-HĐND ngày 17/4/2024 của HĐND tỉnh quy định mức phụ cấp, chế độ kiêm nhiệm của người hoạt động không chuyên trách; mức hỗ trợ, chế độ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Sơn La; theo hướng quy định mức hỗ trợ theo bản loại 1 đối với các chức danh người trực tiếp tham gia hoạt động ở bản thuộc các xã biên giới; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, người trực tiếp tham gia hoạt động ở bản kiêm nhiệm chức danh người trực tiếp tham gia hoạt động ở bản, được hưởng mức hỗ trợ từng tháng.
UBND tỉnh trả lời: Nghị quyết số 80/2024/NQ-HĐND của HĐND là văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh ban hành. Việc xây dựng Nghị quyết, phải căn cứ, bám sát vào các nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh được giao tại các khoản 2, 3, 4 Điều 34 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP. Cụ thể: (1) Mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở bản thuộc xã biên giới thực hiện theo nhóm 1 (hưởng như bản loại 1, do được Trung ương tính để khoán kinh phí cho tỉnh). (2) Mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia công việc ở bản, do HĐND tỉnh căn cứ nguồn kinh phí ngân sách chi cho cải cách chính sách tiền lương của địa phương; các quy định của pháp luật có liên quan và đặc thù của từng cấp xã, từng thôn, tổ dân phố để quy định; theo đó, Nghị quyết số 80/2024/NQ-HĐND của HĐND đã quy định mức hỗ trợ theo phân loại bản (3 mức), việc phân loại bản căn cứ các tiêu chí theo Quyết định số 39/2020/QĐ-UBND ngày 1/9/2020 của UBND tỉnh; trong đó bản thuộc xã biên giới là một tiêu chí đặc thù đã được cộng điểm làm cơ sở để phân loại bản. (3) Nghị định 33/2023/NĐ-CP không quy định người người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, người trực tiếp tham gia hoạt động ở bản kiêm nhiệm chức danh trực tiếp tham gia hoạt động ở bản, do đó không đủ cơ sở pháp lý để quy định trong Nghị quyết số 80/2024/NQ-HĐND. Như vậy nội dung kiến nghị của cử tri chưa có đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn để giải quyết.
Cử tri xã Chiềng On, huyện Yên Châu, đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét, nghiên cứu để sớm ban hành cơ chế, chính sách về thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đồng thời thu hút các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại tỉnh.
UBND tỉnh trả lời: Hiện nay các văn bản pháp lý triển khai thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã được ban hành đầy đủ tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo các văn bản trên, quy trình thu gom chất thải là bao gói thuốc bảo vệ thực vật đều phải do đơn vị được cấp phép xử lý chất thải nguy hại thực hiện và các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải có trách nhiệm nộp phí, giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Đối với lượng chất thải là bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện đang được bố trí kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước do vậy không ban hành cơ chế, chính sách đặc thù.
UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở đánh giá công tác thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tham mưu cho UBND tỉnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!