Diễn đàn cử tri

Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Cử tri đề nghị: Cần tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của tỉnh; thực hiện công khai kết quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng theo quy định.

 

Vấn đề này được UBND tỉnh trả lời, như sau:  UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, thực hiện công khai kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của tỉnh như:  Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong việc thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo sức mạnh, áp lực xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng.

 

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức triển khai, đôn đốc thực hiện kế hoạch công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý về phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 6-12-2012 của Chính phủ  đã được cụ thể hóa trong kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 716/QĐ-UBND ngày 10-4-2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

 

Các cơ quan thông tin đại chúng dành thời lượng thường xuyên phổ biến, tuyên truyền về pháp luật phòng, chống tham nhũng; kịp thời đưa thông tin phản ánh các hoạt chỉ đạo, điều hành, kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng và các hành vi tham nhũng đã được phát hiện. Tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện Luật thanh tra, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và Luật phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền, người đứng đầu trong thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, dư luận xã hội quan tâm nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng; các sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra cần tập trung làm rõ các hành vi tham nhũng để xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng: Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập; chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác; cải cách thủ tục hành chính; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật...

 

Triển khai thực hiện việc khảo sát nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-TTCP ngày 18-9-2014 của Thanh tra Chính phủ nhằm đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Người đứng đầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện việc chấn chỉnh việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm; phân công chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, xây dựng báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, báo cáo phải phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng của đơn vị, địa phương.

 

Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các đơn thư tố cáo về hành vi tham nhũng; thực hiện việc xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị theo quy định. Thực hiện nghiêm quy định về hoạt động công khai kết luận thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; xử lý nghiêm hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.

 

Thanh tra tỉnh và các cơ quan thanh tra phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan trong khối nội chính (Công an, Kiểm sát, Tòa án) trong hoạt động thanh tra, nhất là trong hoạt động thanh tra kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng theo đúng tinh thần, nội dung Thông tư liên tịch số: 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP ngày 22-3-2012 giữa Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố; kịp thời báo cáo xin ý kiến Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy những vụ việc phức tạp, sai phạm nghiêm trọng có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, chuyển sang cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Cơ quan công an, cơ quan thanh tra Nhà nước thực hiện tốt việc thiết lập, công khai số điện thoại, hộp thư điện tử và địa chỉ để tiếp nhận tố cáo về hành vi tham nhũng; kịp thời khen thưởng đối với cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng. Cấp ủy các cấp, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức đoàn thể, cơ quan báo chí tăng cường sự giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong: kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; tuyển dụng công chức, viên chức...

 

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới