Bản Bon, xã Mường Chiên, trước đây là trung tâm huyện Quỳnh Nhai - nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trắng, nay đang là điểm du lịch sinh thái vùng lòng hồ sông Đà thu hút ngày càng đông du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm.
Một góc Trung tâm xã Mường Chiên
Đến bản Bon có thể đi bằng ô tô và bằng thuyền trên lòng hồ sông Đà. Từ xa nhìn lại, bản Bon thật yên bình, phía sau bản là những dãy núi đá cao sừng sững, những cánh rừng xanh ngút tầm mắt, phía trước là sông Đà nước trong vắt, mênh mông. Con đường từ dưới bến thuyền vào bản đã được đổ bê tông, hai bên ngập tràn sắc hoa thúy.
Con đường vào bản Bon ngập tràn trong sắc hoa
Cách bến vài chục mét, có một chiếc chòi xây rộng rãi, thoáng mát, dành cho du khách nghỉ chờ thuyền. Hai bên đường vào bản, người dân đang tất bật thu hoạch những vạt lúa mùa vàng rộm, tiếng cười nói rôm rả cả một bến sông.
Chòi chờ thuyền tại bản Bon
Đón chúng tôi là anh Điêu Văn Thái, quản lý cơ sở tắm khoáng nóng bản Bon. Ấn tượng đầu tiên là những ngôi nhà sàn kiến trúc độc đáo, mặt bằng hình chữ nhật, cửa mở ra hai đầu hồi, nhiều cửa sổ san sát nhau. Ở đầu bản có một cổng chào và khuôn viên cây xanh. Anh Thái giới thiệu: Một nhà nghỉ cộng đồng có thể đáp ứng nhu cầu cho 50 khách lưu trú; 1 dãy nhà tắm khoáng gồm 6 phòng tắm cá nhân, 2 bể tắm ngoài trời. Khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai đã liên kết với 8 hộ dân trong bản phát triển du lịch cộng đồng, với giá dịch vụ 20.000 đồng/lượt tắm; giá lưu trú từ 50.000 đến 70.000 đồng/người/ngày; combo 1 ngày 1 đêm là 360.000 đồng/người (bao gồm cả giá dịch vụ lưu trú, tắm khoáng, 1 bữa sáng và 2 bữa chính).
Thác nước bản Bon, xã Mường Chiên
Suối khoáng nóng bản Bon thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm
Đến đây, du khách thỏa thích khám phá núi rừng nguyên sơ, với hệ thực vật phong phú, đa dạng; du thuyền thăm cột mốc đánh dấu trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ; ngắm vẻ đẹp sông Đà mùa nước nổi; tham quan mô hình nuôi cá lồng; đánh bắt cá trên sông Đà; lên rừng hái măng, lấy rau rừng, lội suối lấy rêu và cùng chế biến món ăn mang hương vị đặc trưng của người Thái trắng nơi đây. Đặc biệt, du khách còn được thưởng thức 30 món ăn từ các loại cá khác nhau (cá nướng, cá gỏi, cá nấu canh, cá chua…) và trên 40 món ăn từ các loại rau rừng (món nộm, món rau đồ)... do người dân sở tại chế biến. Các món ăn được ướp bằng hương liệu tự nhiên, sẵn có trong vườn nhà, hoặc lấy từ rừng về, tạo nên hương vị hấp dẫn riêng có. Khi màn đêm buông xuống, du khách được hòa mình vào những điệu dân ca, dân vũ như múa xòe, múa sạp, khắp tính tẩu.
Rêu suối - đặc sản của người Thái
Sẽ không trọn vẹn nếu không đến tham quan, trải nghiệm nghề dệt vải thổ cẩm, đan lát, đan nón, làm đàn tính tẩu tại các bản giáp với bản Bon. Nghệ nhân Điêu Văn Hịm ở bản Quyền, năm nay 83 tuổi, được ví là "Cuốn cẩm nang sống" nắm giữ kho tư liệu quý về đàn tính và các điệu khắp, dân ca Thái của xã Mường Chiên. Cậu con trai cả được ông truyền dạy và đã đoạt nhiều giải thưởng cao tại các hội diễn văn nghệ quần chúng trong và ngoài tỉnh.
Nghệ nhân Điêu Văn Hịm chơi đàn tính tẩu
Chúng tôi đến bản Bon gặp nghệ nhân Điêu Thị Chom - người đang cần mẫn truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho con, cháu trong bản. Bà Chom bảo: Từ năm 12, 13 tuổi tôi đã biết dệt vải thổ cẩm. Theo truyền thống, người con gái Thái khi đi lấy chồng ít nhất phải chuẩn bị 10 chiếc chăn, 10 chiếc đệm, 20 chiếc gối, 10 cuộn vải thổ cẩm (mỗi cuộn dài 40 sải tay người lớn)... Đối với người Thái, vải thổ cẩm được coi như vật tượng trưng cho phái đẹp, hầu hết quần áo trong gia đình đều do người phụ nữ dệt.
Nghệ nhân truyền dậy nghề dệt thổ cẩm
Múa sạp thể hiện tình đoàn kết, thân thiện giữa người dân và du khách.
Ông Lừ Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, thời gian qua, Ban Văn hóa xã và nhân dân bản Bon đã phối hợp với Hợp tác xã Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Thái trắng Mường Chiên, như: Duy trì các đội văn nghệ, khôi phục lại các điệu xòe, điệu múa cổ phục vụ du khách; khuyến khích người dân duy trì truyền thống văn hóa của dân tộc Thái trắng; bảo vệ nghiêm các công trình văn hóa...
Tuyến đường vào bản Bon khang trang, sạch đẹp
Với tiềm năng, lợi thế, nếu được quan tâm, đầu tư phù hợp, tin rằng du lịch cộng đồng bản Bon sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm trong hành trình du lịch qua miền Tây Bắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!