Cũng giống như Tà Xùa, xã Háng Đồng (Bắc Yên) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc phát triển cây chè. Hiện xã có trên 40 ha cây chè cổ thụ, sản lượng khoảng 12-13 tấn chè búp tươi/năm. Mặc dù diện tích, sản lượng còn khá kiêm tốn, nhưng do chè có hương vị thơm ngon đặc trưng, đã đem lại thu nhập cho người dân.
Vườn chè cổ thụ ở bản Háng Đồng, xã Háng Đồng (Bắc Yên).
Theo chia sẻ của người dân xã Háng Đồng, trước đây, chè búp tươi sau khi hái về từ những cây chè cổ thụ hầu hết mang sang xã Tà Xùa bán với giá 50-70 nghìn đồng/kg, nhưng chè thành phẩm lại bán được với giá cao hơn nhiều lần. Trong khi đó, người dân trong xã mong muốn từng bước xây dựng thương hiệu chè riêng của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập. Bởi vậy, cách đây hơn 2 năm, một số hộ dân ở bản Háng Đồng đã đi học cách sao chè ở Tà Xùa để về áp dụng chế biến chè búp tươi của gia đình và hướng dẫn các hộ trồng chè trong bản, trong xã cùng làm.
Người dân bản Háng Đồng xã Háng Đồng (Bắc Yên) thu hái chè.
Những cây chè cổ thụ ở xã Háng Đồng cũng đã có tuổi thọ từ 50 năm đến 300 năm, riêng đối với những cây có tuổi thọ từ 50-70 năm là cây được người dân ươm hạt giống từ các cây cổ thụ lớn trong rừng, sau đó mang đi trồng ở một số khoảnh đất quanh bản. Các cây chè cổ thụ này phát triển tự nhiên, nên mỗi năm chỉ có 3 – 4 đợt búp, thu hái vào khoảng thời gian tháng 3- 4 và tháng 8 hoặc tháng 10 hàng năm. Chè cổ thụ có mùi thơm tự nhiên, khi uống có vị đắng ở đầu lưỡi sau đó ngọt thanh ở cuống họng, hương vị đặc biệt mà các loại chè thông thường không có được.
Theo người dân, để chè thành phẩm thơm, ngon, thời gian hái chè búp tươi nên từ 5-9 giờ sáng, hoặc sau 3 giờ chiều. Đặc biệt, hái chè vào những ngày trời mát, nhiều sương mù là tốt nhất; sau khi hái, cần sao chè càng sớm càng tốt. Để sao được chè thành phẩm mang đậm hương vị đặc trưng, chè búp tươi được hái theo nguyên tắc 1 tôm 1 lá hoặc 1 tôm 2 lá. Quy trình chế biến, nếu như các hộ dân ở Tà Xùa sử dụng chảo gang lớn để sao chè, thì người dân Háng Đồng lại sử dụng lò quay để thực hiện công đoạn này.
Sao chè bằng lò quay.
Chia sẻ với chúng tôi về sự khác biệt này, anh Mùa A Dê cho hay: Ở Tà Xùa, bà con sao chè lâu năm nên có kinh nghiệm hơn trong việc ước lượng độ nóng của chảo gang, yêu cầu đều tay khi đảo chè và độ nhiệt cần thiết trong quá trình sao. Còn chúng tôi, kinh nghiệm chưa nhiều, nên việc đảo chè bằng tay sẽ không đều, do đó, khi đi học quy trình chế biến chè đã được người dân Tà Xùa gợi ý nên sử dụng chiếc lò quay bằng gang để sao chè. Việc này cũng dễ làm hơn và không đòi hỏi sự cầu kỳ như khi đảo chè trực tiếp bằng tay.
Sao chè 1 tôm 1 lá thì 5 kg chè tươi sẽ được 1 kg chè khô, bán với giá từ 700 nghìn đồng/kg; còn chè búp tươi 1 tôm 2 lá thì 10 kg chè tươi được 2-3 kg chè khô và bán với giá 300-400 nghìn đồng/kg. Chè thành phẩm được chế biến từ nguyên liệu là búp các cây chè cổ thụ ở Háng Đồng có chất lượng gần ngang bằng với chè cổ thụ ở Tà Xùa, nhưng do chưa có kinh nghiệm và tay nghề khi thực hiện công đoạn sao chè, cùng với việc chưa xây dựng được thương hiệu nên giá bán của chè Háng Đồng chưa cao như chè Tà Xùa.
Người dân bản Háng Đồng xã Háng Đồng (Bắc Yên) kiểm tra chất lượng sản phẩm chè.
Bảo tồn diện tích chè cổ thụ hiện có, tăng thêm thu nhập từ cây chè, Háng Đồng đang phấn đấu năm 2020 trồng mới 30 ha và từng bước mở rộng thêm diện tích chè, tạo sinh kế cho người dân từ cây trồng này, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, người dân Háng Đồng cũng mong muốn được các ngành chức năng quan tâm, hướng dẫn bà con việc tạo tán cho diện tích chè cổ thụ hiện có, qua đó, nâng cao sản lượng chè búp tươi trên mỗi cây và tạo cảnh quan đẹp cho đồi chè cổ thụ để hướng đến mục tiêu thu hút khách du lịch đến với xã Háng Đồng ngày càng đông trong thời gian tới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!