Dân vận khéo, tạo đồng thuận về nhận thức, cách làm

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, Đảng bộ xã Tú Nang, huyện Yên Châu, đã vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được hình thành, phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh.

Giọng nữ
Chi bộ bản Bó Mon, xã Tú Nang, huyện Yên Châu lấy ý kiến nhân dân về chủ trương làm đường liên bản.

Tú Nang có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ xã đề ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện 19 nhóm chỉ tiêu cụ thể trên các lĩnh vực. Ông Hoàng Văn Công, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, cho biết: Đảng bộ xã lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác dân vận trong hệ thống chính trị; quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống dân vận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn, tăng cường đối thoại với nhân dân, tham gia tích cực cùng chính quyền chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, hội viên, giải quyết nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của nhân dân. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát trên các lĩnh vực, như huy động các nguồn lực đóng góp xây dựng nông thôn mới và xã hội hóa ở địa phương; thực hiện các chế độ chính sách, quản lý đất đai, thu chi ngân sách...

Nâng cao thu nhập cho nhân dân, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tích cực vận động bà con mở rộng diện tích cây ăn quả; triển khai mô hình nuôi gia súc theo hướng nhốt chuồng, tăng quy mô đàn.

Từ đầu năm 2021 đến nay, đã tổ chức 15 đợt tập huấn trồng cây ăn quả và kỹ thuật chăn nuôi cho trên 3.000 lượt người; hỗ trợ trên 5.000 giống cây ăn quả và 30 con bò sinh sản cho nhân dân, tổng trị giá trên 700 triệu đồng. Các tổ chức đoàn thể xã đã đứng ra nhận ủy thác với các ngân hàng giúp hội viên vay vốn. Nhiều hộ dân đầu tư làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà con trong xã chủ động cải tạo vườn tạp, trồng mới trên 1.000 ha xoài, nhãn, chuối; đàn gia súc phát triển, duy trì ổn định trên 3.000 con.

Mô hình nuôi lợn đen của nông dân bản Lắc Kén, xã Tú Nang.

Gia đình ông Nguyễn Văn Binh, bản Hua Đán, có 22 ha nhãn chín muộn cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Binh cho biết: Qua học hỏi kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn về cải tạo cây ăn quả, tôi ghép mắt toàn bộ diện tích nhãn của gia đình. Làm theo phương pháp này, năm nào vườn cây cũng sai quả, cho sản lượng cao. Trung bình thu 200 tấn quả/vụ. Gia đình còn thu mua, đầu tư mở xưởng sơ chế nông sản. Từ trồng cây ăn quả và kinh doanh dịch vụ, tổng thu nhập của gia đình đạt gần 3 tỷ đồng/năm.

Còn tại bản Tà Làng Thấp, từ nguồn vốn của mô hình “Tổ tiết kiệm giúp hội viên phụ nữ giảm nghèo”, chị Lường Thị Khuyên được Hội LHPN xã Tú Nang hỗ trợ cho vay phát triển chăn nuôi. Chị Khuyên chia sẻ: Được Hội Phụ nữ cho vay 15 triệu đồng, cùng với số tiền tích cóp, tôi mua 2 con bò sinh sản, sau gần 2 năm nuôi, phát triển lên được 4 con. Gia đình đã bán 2 con với giá hơn 50 triệu đồng và đã trả xong tiền vay. Thu nhập ổn định, kinh tế của gia đình tôi đã khấm khá hơn.

Mô hình trồng xoài Đài Loan ở xã Tú Nang cho thu nhập cao.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ đẩy mạnh công tác dân vận để huy động sức dân, đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng hạ tầng thiết yếu trên địa bàn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xã đã huy động sức dân xây dựng 2 nhà văn hóa bản, 3 tuyến đường tại bản Chiềng Ban I, Chiềng Ban II, Bó Mon và công trình cầu qua suối bản Tà Làng Cao.

Vừa qua, tuyến đường bê tông dài gần 3 km của bản Bó Mon đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trước đây, tuyến đường từ tỉnh lộ 13 vào bản là con đường đất hẹp, gồ ghề, nhiều đoạn bị xói sâu do mưa lũ. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bản được xã, huyện đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông với mức đầu tư 7,6 tỷ đồng.

Tuyến đường bản Bó Mon, xã Tú Nang, hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Mùa A Chinh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Bó Mon, chia sẻ: Bản có 142 hộ, hơn 700 nhân khẩu, đều là dân tộc Mông. Ban công tác mặt trận phối hợp với cán bộ xã, phân công các thành viên đến từng gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án tuyên truyền trực tiếp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân. Bởi vậy, khi triển khai dự án đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của bà con. Các hộ đồng loạt tháo dỡ tường rào, chặt bỏ cây cối, bàn giao mặt bằng, mở rộng đường từ 2 m lên 4 m. Sau 3 tháng, tuyến đường hoàn thành, thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển nông sản.

Đẩy mạnh công tác dân vận đã mang lại hiệu quả thiết thực, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã Tú Nang được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới