Hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số

Năm 2024, thực hiện các mục tiêu theo kế hoạch chuyển đổi số của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực Sơn La đã tập trung đẩy nhanh tiến độ tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý vận hành lưới điện và mức độ hài lòng của khách hàng.

Giọng nữ
Công nhân Công ty Điện lực Sơn La kiểm tra thông số kỹ thuật trạm biến áp 110 kV.

Công ty Điện lực Sơn La đang quản lý vận hành 9 trạm biến áp 110 kV, 2 trạm biến áp trung gian, 1 trạm biến áp tự ngẫu, 3.033 trạm biến áp phân phối, 2 nhà máy thủy điện, 554,6 km đường dây cao thế, gần 5.402 km đường dây trung thế, 5.331 km đường dây hạ thế; 68 km cáp quang OPGW; 839 km cáp quang ADSS, 215 km cáp quang trao đổi khác và kinh doanh bán điện cho 356.844 khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh.

Bà Lê Thị Song Hảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La, cho biết: Để đáp ứng yêu cầu chương trình chuyển đổi số, Công ty đã tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công nhân, khai thác hiệu quả hệ thống thiết bị, các phần mềm ứng dụng. Đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật, quản trị nhân sự, tài chính và đầu tư xây dựng. Đồng thời, triển khai các phần mềm quản lý, như Digital Office, HRMS, CMIS, và CMIS-Mobile, giúp tối ưu hóa quản lý, tăng năng suất, hỗ trợ công nhân thao tác trực tiếp tại hiện trường. Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số được triển khai hiệu quả trong các quy trình kỹ thuật an toàn, quản trị nhân sự, tài chính kế toán, đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ khách hàng.

Hiện nay, 100% điểm đo và trạm biến áp được chuẩn hóa, 96% số công tơ điện tử, giúp việc ghi chỉ số nhanh, chính xác. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, như điều khiển từ xa, trạm biến áp không người trực, và ứng dụng phần mềm GIS, PMIS, OMS, PSS/ADEPT 5.0, góp phần xây dựng lưới điện thông minh, tăng tính ổn định và độ tin cậy của hệ thống điện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng hệ thống văn phòng số Digital Office, thiết lập và đăng tải báo cáo qua phần mềm Portal, quản trị nguồn nhân lực bằng phần mềm HRMS, ứng dụng phần mềm CMIS phục vụ công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng,... giúp tăng hiệu quả và năng suất công việc. Đặc biệt, đơn vị đã triển khai ứng dụng phần mềm Cmis-Mobile cập nhật treo tháo trực tiếp công tơ tại hiện trường, giúp nhân viên điện lực dễ dàng theo dõi, giám sát, thu thập dữ liệu trên toàn hệ thống kịp thời, nhanh chóng.

Kiểm định công tơ tại Trung tâm thí nghiệm điện.

Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Công ty Điện lực Sơn La đã tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng, tổ chức đoàn thể của tỉnh, các đối tác thu hộ tiền điện và các doanh nghiệp trên địa bàn tuyên truyền, khuyến khích khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Công ty đã ký hợp đồng dịch vụ hợp tác thu hộ tiền điện với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh và các tổ chức trung gian thu qua ví điện tử; đến nay, tỷ lệ thu tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian đạt gần 56,82% tổng số khách hàng.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành, sửa chữa hệ thống lưới điện, xây dựng lưới điện thông minh, nổi bật là việc áp dụng công nghệ điều khiển từ xa, 100% số trạm biến áp 110 kV vận hành không người trực và toàn bộ thiết bị trung thế mạch trung áp, 381 thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung áp được kết nối với Trung tâm Điều khiển - Phòng Điều độ Công ty, sẵn sàng khai thác thông số vận hành và đóng/cắt từ xa.

Ứng dụng công nghệ hotline trong sửa chữa, vệ sinh công nghiệp lưới điện.

Hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số, Công ty Điện lực Sơn La đang tiếp tục đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, vận hành hệ thống lưới điện. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu vận hành các phần mềm và thiết bị hiện đại trong môi trường số. Đồng thời, tăng cường tích hợp hệ thống dữ liệu để tạo sự kết nối đồng bộ; xây dựng và chuẩn hóa các quy trình làm việc dựa trên nền tảng số, đảm bảo khả năng vận hành tự động.

Mở rộng việc áp dụng công nghệ, như AI, IoT, phân tích dữ liệu lớn để cải thiện chất lượng dịch vụ. Đa dạng hóa các kênh thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt, phấn đấu đạt tỷ lệ thanh toán tiền điện qua ngân hàng và tổ chức trung gian lên trên 80%.

Xây dựng đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, triển khai các giải pháp mới. Nâng cao hiệu quả quản lý vận hành hệ thống lưới điện quốc gia, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới