Chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách

Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tín dụng chính sách là một trong những giải pháp đang được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mộc Châu tích cực triển khai; góp phần bảo đảm độ an toàn, chính xác trong giao dịch, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

Giọng nữ
 

Nhập chú thích

 

Với vai trò, trách nhiệm là Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, giờ đây chỉ với chiếc điện thoại thông minh cài ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, chị Nguyễn Thị Quyên đã có thể thực hiện quản lý thu lãi, thu tiết kiệm và kiểm tra dữ liệu giao dịch chính xác ngay trên điện thoại. Chị Quyên chia sẻ: Tổ TK&VV hiện có 22 tổ viên với dư nợ cho vay gần 1,3 tỷ đồng. Trước đây chúng tôi thường làm việc với rất nhiều loại giấy tờ, phải lưu trữ, tổng hợp, tiếp cận các chính sách bằng văn bản giấy, nay chỉ cần một chiếc điện thoại di động được cài ứng dụng là có thể cập nhật rất nhiều nội dung có liên quan. Nhờ đó, chúng tôi có thể quản lý hội viên, số dư nợ, số lãi phải nộp, số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ viên, cung cấp thông tin cho hội viên ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Không chỉ phát huy hiệu quả trong hoạt động quản lý tổ viên của các tổ trưởng tổ TK&VV, ứng dụng này cũng là một công cụ giúp cho cán bộ làm công tác quản lý. Khi cài đặt, sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện, lãnh đạo xã, thị trấn, các tổ chức chính trị xã hội cấp huyện, cấp xã và các trưởng bản, tiểu khu sẽ theo dõi được số liệu kết quả giao dịch trong tháng, tổng dư nợ của từng địa bàn, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội nhận ủy thác, dư nợ của từng tổ tiết kiệm và vay vốn, doanh số cho vay, thu nợ, theo dõi và quản lý được chất lượng tín dụng như lãi tồn, nợ quá hạn, các khoản vay nhiều tháng chưa trả lãi… Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, quản lý, điều hành chính sách tín dụng.

Chị Quàng Thị Mai, Chủ tịch Hội nông dân xã Chiềng Hắc, cho biết: Thông thường tại mỗi phiên giao dịch, các tổ trưởng, đại diện hội, đoàn thể, cán bộ ngân hàng đều phải ngồi kiểm tra và đối chiếu bảng kê và kết quả giao dịch để đảm bảo mọi giao dịch chính xác, đúng quy định. Nhờ sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách tất cả thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách đều được đồng bộ liên tục, kết quả giao dịch hằng tháng; tra cứu biên lai thu lãi của tổ viên đều được cập nhật chính xác; thời gian giao dịch giảm đáng kể, chỉ trong vài giờ đồng hồ, tương đương giảm 50% khối lượng công việc so với trước đây.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mộc Châu triển khai nguồn vốn vay tại xã Đông Sang.

 Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mộc Châu đang thực hiện 15 chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn thực hiện ủy thác thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên, với 256 tổ TK&VV. Để triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tín dụng, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách đến các đối tượng người dùng theo quy định, bao gồm: Thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp, cán bộ giảm nghèo, trưởng bản và tổ TK&VV.

Bà Đoàn Thu Thủy, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mộc Châu, thông tin: Đến nay, phòng đã hoàn thành cài đặt và hướng dẫn sử dụng, khai thác ứng dụng quản lý tín dụng chính sách đến tất cả các đối tượng; 100% tổ TK&VV thực hiện thu lãi, thu tiền gửi, và khai thác số liệu trên ứng dụng thành thạo. Nhờ đó, việc giao dịch giữa tổ trưởng tổ TK&VV với cán bộ ngân hàng tại các điểm giao dịch diễn ra thuận tiện, nhanh chóng.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mộc Châu kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại xã Đông Sang.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giao dịch tính dụng chính sách, đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của huyện Mộc Châu đạt hơn 481 tỷ đồng, với 9.073 khách hàng vay vốn. Từ nguồn vốn ưu đãi, đã giúp hàng nghìn hộ nông dân và các đối tượng chính sách khác có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, xây dựng nhà ở, công trình nước sạch, công trình vệ sinh.

Việc triển khai ứng dụng quản lý tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ TK&VV theo hướng tiện ích, chuyên nghiệp, hiện đại. Qua đó, giúp Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mộc Châu tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương.

 

 

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới