Phòng, chống dịch Covid-19, góc nhìn từ cơ sở

Trong thời gian qua, huyện Mường La đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, đã huy động cả hệ thống chinh trị và nhân dân chung sức, đồng lòng tham gia phòng, chống dịch bệnh, từng bước được kiểm soát và có những biện pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt trước tình hình dịch bệnh. Trên cơ sở những công việc được thực hiện trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở huyện Mường La, cũng đã có rất nhiều hội nghị, các nhà chuyên môn, các nhà khoa học đúc rút, tổng kết đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch.

Công đoàn cơ quan khối chính quyền huyện Mường La tặng quà  lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 của huyện.

Thứ nhất, huyện Mường La đã cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh và các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện phòng chống dịch, để triển khai thực hiện hoặc ban hành các văn bản cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đảm bảo đúng mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Trung ương và các nguyên tắc, nguyên lý trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tương ứng với từng giai đoạn của dịch, từng cấp độ dịch, Trung ương có quan điểm chỉ đạo thống nhất xuyên suốt. Vì vậy, đối với cấp cơ sở phải thấm nhuần quan điểm chỉ đạo, hiểu đúng bản chất của vấn đề, từ đó xác định có những việc cần ban hành văn bản để cụ thể hóa.

Đối với những việc, những nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đòi hỏi hệ thống những văn bản này là những vấn đề rất riêng, rất cụ thể của địa phương, đảm bảo tính đặc thù và khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Trung ương. Đơn cử như địa phương có nhiều người yếu thế; địa phương có nhiều đồng bào dân tộc, có những phong tục tập quán khác nhau, trong khi chưa có văn bản hướng dẫn các nhóm đối tượng này thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cần ban hành văn bản hướng dẫn, dự báo tình hình với nhóm đối tượng này.

Đối với những nội dung quan điểm chỉ đạo của Trung ương các Bộ, ngành đã cụ thể, không cần ban hành thêm các văn bản hành chính khác, chuyển từ việc ban hành văn bản, sang tập huấn để các cơ quan quản lý, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thấm nhuần quan điểm chỉ đạo, nội dung cần thực hiện để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cơ sở thực hiện hoặc ban hành văn bản ủy quyền, giao nhiệm vụ cho cơ sở, cho người đứng đầu chủ động các biện pháp phòng, chống dịch thuộc phạm vi quản lý.

Kiểm tra thân nhiệt người dân vào địa bàn tại điểm khai báo y tế xã Chiềng Lao, huyện Mường La.

Ảnh: Hồng Luận

Trong trường hợp cần ban hành các văn bản hành chính, xác định rõ quy trình, trình tự các văn bản cần ban hành hành tương ứng với từng cấp độ dịch. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kịch bản phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, duy trì các hoạt động và triển khai các nhiệm vụ tương ứng với các tình huống phòng chống dịch, tích hợp với ứng phó biến đổi khí hậu (kịch bản đảm bảo thiết thực, không hình thức và có thể vận hành ngay được khi xảy ra các tình huống, bao gồm xác định rõ công việc cần phải làm tương ứng với từng cấp độ dịch.

Thứ hai, triển khai công tác tuyên truyền đảm bảo sâu rộng, toàn diện, thiết thực, thực chất, hiệu quả. Tùy từng giai đoạn của công tác phòng, chống dịch mà lựa chọn nội dung và tần suất tuyên truyền phù hợp. Với phương châm toàn dân tuyên truyền: Người uy tín các bản, tiểu khu, trưởng các dòng họ, học sinh; các tổ chức hội đoàn thể... Nội dung tuyên truyền thường xuyên, liên tục, giúp người nghe thay đổi nhận thức, hình thành thói quen mới để thích ứng với việc phòng, chống dịch, như: Đeo khẩu trang; giữ khoảng cách; không tụ tập đông người; rửa tay thường xuyên đúng cách; khai báo y tế; chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn trước khi đến khám chữa bệnh; thông báo với cơ quan y tế gần nhất khi có các biểu hiện của bệnh Covid-19; khai báo tạm trú.

Hình thành nội quy, quy định mới đối với các cơ quan, đơn vị, như: Tổ chức các cuộc họp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo thành phần dự họp phù hợp, hạn chế tập trung đông người khi không thật sự cần thiết. Sắp xếp phòng làm việc của cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo giữ khoảng cách trong quá trình làm việc. Thường xuyên vệ sinh cơ quan thoáng mát, xanh, sạch, đẹp. Bố trí chậu rửa tay, nước sát khuẩn để khách đến giao dịch và người làm việc trong cơ quan thuận tiện trong việc rửa tay trước, sau quá trình làm việc. Bổ sung nội quy của cơ quan với các nội dung: Giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên, không tập trung đông người, đeo khẩu trang khi đến các nơi công cộng, hạn chế bắt tay khi đến giao dịch công việc…Chuyển từ quản lý tổng số sang quản lý tổng số và danh sách kèm theo đối với những trường hợp cần có tác động cụ thể.

Thứ ba, để phòng chống dịch Covid-19, phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm khác trên người, cây trồng và vật nuôi, cũng như ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, thực hiện các nội dung sau: Xác định rõ các công việc cần triển khai trong phòng dịch bệnh, như xác định vùng an toàn; vùng không an toàn; các đối tượng chịu tác động ảnh hưởng lớn nếu dịch bệnh xảy ra, từ đó lập danh sách các đối tượng chịu ảnh hưởng. Tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhanh, an toàn, đảm bảo tỷ lệ, để tạo miễn dịch cộng đồng. Phun khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ. Chuẩn bị các kịch bản chi tiết để ứng phó với từng cấp độ dịch. Tập huấn cho các đối tượng cần thực hiện. Tuyên truyền, vận động nhân dân biết các công việc tương ứng với từng cấp độ dịch. Liệt kê hệ thống các văn bản hành chính cần ban hành tương ứng với từng cấp độ, từng công việc. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, công chức, người lao động thực hiện các nhiệm vụ. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chống dịch.

Người dân thực hiện TEST nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La.

Ảnh: Hồng Luận

Xác định rõ các yếu tố dịch tễ của ca bệnh để xác định nguồn lây, từ đó xác định phương hướng truy vết, tầm soát và phong tỏa tạm thời từng khu vực phù hợp. Tổ chức truy vết nhanh, chính xác; phân nhóm các trường hợp truy vết theo độ tuổi, bệnh lý nền và tình trạng tiêm vắc xin. Tạm thời phong tỏa diện hẹp nhất có thể để tầm soát, khống chế dịch. Tổ chức tầm soát nhanh để bóc tách kịp thời F0 ra khỏi cộng đồng. Khử khuẩn các khu vực ca bệnh cư trú, lưu trú, các địa điểm ca bệnh thường xuyên đến. Xác định đầy đủ các thông tin của ca bệnh (độ tuổi, tình trạng bệnh lý nền, số mũi vắc xin Covid-19 đã được tiêm) để có phương án điều trị phù hợp.

Quan tâm đặc biệt đối với các ca bệnh thuộc nhóm người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh lý nền và chưa được tiêm đủ vắc xin. Kiểm tra các điều kiện điều trị F0 tại nhà, nếu đảm bảo tổ chức điều trị F0 tại nhà. Vận hành các trạm y tế lưu động. Đảm bảo đủ vật tư y tế, trang thiết bị, thuốc để điều trị F0. Vận chuyển ca bệnh đến các khu điều trị đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch. Hướng dẫn các ca bệnh có chế độ sinh hoạt, ăn uống đảm bảo nâng cao sức đề kháng, tích cực hợp tác, thực hiện theo phác đồ trong quá trình điều trị.

Thứ tư, phát huy tính cộng đồng trách nhiệm và giá trị tốt đẹp của văn hóa “làng, xã” trong phòng, chống dịch. Nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này đó là các nhóm liên gia tự quản. Từng nhóm liên gia tự quản xác định công việc cụ thể của cộng đồng dân cư trong nhóm để đảm bảo phòng, chống dịch an toàn, bảo vệ sức khỏe cho dân cư trong nhóm. Đồng thời, đảm bảo các hoạt động thường xuyên gắn với phát triển kinh tế, xã hội.  Trong trường hợp xuất hiện ca bệnh trong nhóm dân cư, bình tĩnh triển khai các công việc để khống chế dịch nhanh, gọn, không để lây lan phát tán, kéo dài dịch bệnh trong nhóm dân cư. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tính cộng đồng trách nhiệm của từng hộ dân, từng người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh…

Phạm Đức Huynh (Mường La)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới