Thế giới tuần qua: Nhiều bất ổn và thách thức

Tròn 20 năm vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ; Lãnh đạo Mỹ - Trung có cuộc điện đàm đầu tiên sau 7 tháng; Đảo chính ở Guinea, quân đội lên nắm quyền; Taliban công bố nội các mới ở Afghanistan; Nhiều nước triển khai việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em,… là một số sự kiện tiêu biểu của thế giới tuần qua (5-12/9).

Tròn 20 năm vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ

Ngày 11/9/2021, tròn 20 năm sau ngày nước Mỹ rung chuyển vì loạt tấn công khủng bố thảm khốc nhất trong lịch sử đất nước. 20 năm qua, dư âm về vụ khủng bố vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân Mỹ, cũng như người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

 Hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) đổ sụp trong vụ khủng bố 11/9/2001 (Ảnh: AP)

Cách đây đúng 20 năm, ngày 11/9/2001, 19 tên khủng bố của nhóm Hồi giáo Al Qaeda đã khống chế 4 máy bay thương mại của hai hãng hàng không United Airlines và American Airlines. Hai chiếc Boeing 767 lần lượt đâm vào hai tòa tháp thuộc khu phức hợp Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở thành phố New York, kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ 7 tòa tháp trong khu vực. Vụ tấn công đã khiến tổng cộng 2.996 người thiệt mạng và là vụ tấn công đẫm máu nhất do thế lực bên ngoài gây ra tại Mỹ. Có hơn 300 lính cứu hỏa và cảnh sát thiệt mạng khi tham gia giải cứu người bị kẹt trong hai tòa tháp. Ngoài ra, còn khoảng gần 10.000 người bị thương hoặc ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng sau chuỗi sự kiện kinh hoàng này.

Vụ tấn công đã làm thay đổi gần như mọi mặt của nước Mỹ. Sau cuộc tấn công, chính quyền Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W. Bush phát động cuộc chiến chống toàn cầu chống khủng bố, dẫn tới việc Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan ngay trong năm 2001.

Trong một video đăng tải ngày 10/9 trước lễ tưởng niệm 20 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi người dân thể hiện tình đoàn kết, điều mà ông cho là "sức mạnh lớn nhất" của nước này. Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đã gửi thông điệp thể hiện sự đoàn kết với nước Mỹ.

Lãnh đạo Mỹ - Trung có cuộc điện đàm đầu tiên sau 7 tháng

Tối 9/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm đầu tiên trong 7 tháng qua. Nội dung cuộc điện đàm kéo dài 90 phút xoay quanh nhiều vấn đề, với tinh thần chung là không đẩy mối quan hệ cạnh tranh giữa hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới vào trạng thái xung đột.

 Tối 9/9, Tổng thống Mỹ J.Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm về những vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước. (Ảnh: CNN)

Thông cáo từ Nhà Trắng đánh giá hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc thảo luận sâu rộng, mang tính chiến lược về những lĩnh vực mà đôi bên chưa tìm được tiếng nói chung. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ cùng hợp tác để giải quyết vấn đề một cách cởi mở, thẳng thắn. Tổng thống J.Biden cũng đã khẳng định rõ ràng rằng, cuộc điện đàm này là một phần trong nỗ lực mà Mỹ đang theo đuổi để xử lý một cách trách nhiệm mối quan hệ cạnh tranh với Trung Quốc. Về phía Nhà Trắng cũng tỏ rõ mong muốn hai bên có thể gác lại những bất đồng để hợp tác trong các vấn đề chung, như chống biến đổi khí hậu, ngăn chặn khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên…

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc cho biết, trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập tới những khúc mắc trong quan hệ với Mỹ, cho rằng, chính sách của Washington đã gây ra những “khó khăn nghiêm trọng” trong quan hệ giữa hai cường quốc. Điều này không phục vụ cho những lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước, mà trái lại một mối quan hệ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ mang lại “thảm họa” cho không chỉ riêng 2 nước mà còn đối với cả thế giới.

Bên cạnh chỉ ra những bất đồng, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh tới những lĩnh vực mà hai bên cần hợp tác, gồm biến đổi khí hậu, chặn đứng đại COVID-19, phục hồi kinh tế, cùng một số vấn đề khác.

Đây là lần thứ 2, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc trao đổi qua điện thoại kể từ khi ông J.Biden trở thành người đứng đầu Nhà Trắng. Trong cuộc điện đàm đầu tiên được thực hiện cách đây khoảng 7 tháng, ông J.Biden đã đưa ra một số thông tin về cải thiện quan hệ song phương, với các vòng đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra ngay sau đó, song không đạt được kết quả như mong đợi.

Đảo chính ở Guinea, quân đội lên nắm quyền

Ngày 5/9, thủ đô Conakry của Guinea chấn động bởi vụ đảo chính do lực lượng tinh nhuệ của quân đội tiến hành, với thông báo được đưa ra là lực lượng này đã giành quyền kiểm soát kênh truyền hình nhà nước và thông báo lật đổ Tổng thống Alpha Conde.

 Lực lượng vũ trang Guinea lái xe qua khu trung tâm Kaloum ở Conakry ngày 5.9. (Ảnh: AFP)

Trong một đoạn băng phát sóng trên đài truyền hình nhà nước Guinea, các binh sĩ tiến hành cuộc nổi dậy ở thủ đô Conakry ngày 5/9 tuyên bố rằng họ đã giải thể hiến pháp, giải tán chính phủ trong một cuộc đảo chính. Trong một thông báo bằng video khác, lực lượng trên khẳng định đã bắt giữ Tổng thống Alpha Conde và giải tán chính phủ.

Ngày 6/9, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Guinea, Trung tá Mamady Doumbouya - người chỉ huy vụ đảo chính đã tuyên bố kế hoạch thành lập một chính phủ chuyển tiếp thống nhất dân tộc.

Sau vụ đảo chính ở Guinea, Tổng thống Alpha Conde bị lật đổ và Nội các dưới quyền ông bị giải tán. Các quan chức cấp cao dưới thời chính quyền cũ, trong đó có cả ông Conde, hoặc bị bắt giữ, hoặc bị cấm xuất cảnh sang nước ngoài. Tính từ tháng 4/2021, đây là vụ đảo chính thứ 3 xảy ra ở khu vực Tây và Trung Phi, làm dấy lên những quan ngại về tình hình khu vực.

Trong bối cảnh trên, nhiều nước trên thế giới đã ngay lập tức lên án vụ đảo chính ở Guinea, đồng thời gây sức ép lên ban lãnh đạo quân sự mới tại nước này, đòi hỏi cần đưa ra một kế hoạch ngoài khuôn khổ lật đổ trật tự cũ, đồng thời trấn an các nhà đầu tư rằng, các hoạt động xuất khẩu quặng quan trọng của quốc gia Tây Phi này sẽ không bị cắt giảm.

Taliban công bố nội các mới ở Afghanistan

Tối 7/9, Taliban đã tổ chức họp báo công bố thành phần chính phủ lâm thời gồm 30 nhân vật trong nội các mới và các nhà lãnh đạo cấp cao. Mặc dù Taliban đã hứa hẹn về việc thành lập một chính phủ toàn diện, bao gồm sự tham gia của mọi thành phần xã hội, song bộ máy lãnh đạo mới lại chỉ gồm các đại diện của Taliban và không có sự tham gia của nữ giới.

 Taliban tổ chức họp báo công bố thành phần nội các mới, tối 7/9. (Ảnh: Xinhua) 

Phát ngôn viên Taliban không tiết lộ chính phủ lâm thời vừa được thành lập sẽ lãnh đạo đất nước trong khoảng thời gian bao lâu. Thông tin về thành phần chính phủ lâm thời được Taliban đưa ra chỉ 1 ngày sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát Panjshir – thành trì cuối cùng của phong trào kháng chiến.

Như vậy, trái với các tuyên bố ban đầu về việc xây dựng một chính phủ rộng rãi, đa thành phần, nội các mới của Afghanistan không xuất hiện bất cứ nhân tố ngoài Taliban nào. Đây là một chỉ dấu cho thấy lực lượng Hồi giáo vũ trang này không chấp nhận các áp lực trong nước và quốc tế đòi phải thành lập một chế độ đa thành phần và bao trùm.

Trước đó, Taliban tuyên bố lực lượng này sẵn sàng thiết lập quan hệ với Washington vì lợi ích của cả Afghanistan và Mỹ, đồng thời hoan nghênh khả năng Mỹ tham gia công cuộc tái thiết quốc gia Tây Nam Á này. Tuy nhiên, Taliban lại khẳng định sẽ không có bất kỳ quan hệ nào với Israel, dù muốn thiết lập quan hệ với các nước trong khu vực và duy trì đối thoại với các nước láng giềng.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên tiếng cho rằng thế giới phải “đối thoại” với Taliban để tránh “cái chết của hàng triệu người”. Tuyên bố này có thể ám chỉ khả năng công nhận chính phủ của Taliban.

Nhiều nước triển khai việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em

Vào đúng ngày khai giảng 6/9 vừa qua, Cuba trở thành là nước đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho trẻ từ 2 - 11 tuổi bằng loại vaccine tự sản xuất Soberana 02. Theo đó, việc chủng ngừa cho nhóm đối tượng trẻ em từ 2-11 tuổi sẽ được thực hiện một cách từ từ song mạnh mẽ, dự kiến kết thúc vào ngày 15/11 tới.

  Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho một bé gái tại tỉnh miền Trung Cienfuegos của Cuba, ngày 6/9. (Ảnh: telesurenglish)

Cuối tuần trước, Cuba đã bắt đầu chủng ngừa vaccine COVID-19 cho trẻ em trên 12 tuổi, sau khi hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng đối với hai loại vaccine nội địa là Abdala và Soberana.

Trong khi đó, cơ quan quản lý dược phẩm của Nam Phi ngày 11/9 đã cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, mở đường cho Chính phủ Nam Phi tiến hành tiêm chủng loại vaccine này cho thiếu niên.

Slovakia từ ngày 9/8 bắt đầu tiêm vaccine cho tất cả trẻ em từ 5 - 11 tuổi với vaccine của Pfizer-BioNTech. Chile tuần này cũng đã cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 của hãng Sinovac cho trẻ em từ 6 - 12 tuổi và trở thành nước Mỹ Latin đầu tiên có chính sách tiêm chủng ở lứa tuổi này. Còn đối với lứa tuổi từ 12 - 17 tuổi, hàng loạt các quốc gia Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Brazil, Anh... đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho đối tượng này. Đối với quốc gia tỉ dân Trung Quốc, tháng 10 tới sẽ là tháng tiêm chủng cho toàn bộ trẻ em từ 12 - 17 tuổi.

Việc mở rộng đối tượng tiêm chủng là trẻ em là một trong những biện pháp mà thế giới đang nỗ lực thực hiện để đẩy lùi đại dịch COVID-19. Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng 12/9, thế giới ghi nhận tổng số 225.057.827 ca mắc COVID-19, trong đó 201.585.388 ca đã bình phục và 4.637.426 ca đã tử vong.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới