Thế giới tuần qua: Hợp tác cùng phục hồi và thịnh vượng

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với đó là những lo ngại về tình hình bất ổn trên chính trường Sudan sau khi quân đội giải tán chính phủ chia sẻ quyền lực và ban bố tình trạng khẩn cấp, thế giới tuần qua (25 – 31/10) cũng ghi nhận nỗ lực hợp tác của các quốc gia trong phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, qua đó thúc đẩy sự phục hồi bền vững và phát triển thịnh vượng.

ASEAN hợp tác cùng phục hồi và thịnh vượng

Quang cảnh Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: TTXVN) 

Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 và 39 và các hội nghị liên quan đã diễn ra từ ngày 26-28/10 theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Brunei - nước đang nắm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao kết quả Hội nghị khi các sự kiện được tổ chức trong bối cảnh ASEAN đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, cả bên trong lẫn bên ngoài, qua đó càng khẳng định hơn nữa nỗ lực, quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN.

Tại Hội nghị, ứng phó COVID-19 và thúc đẩy phục hồi tiếp tục là ưu tiên và được các nước quan tâm thảo luận. Bày tỏ lo ngại trước những tác động tiêu cực đối với kinh tế-xã hội, các nước nhất trí giải pháp cấp bách hiện nay là cần nỗ lực triển khai tiêm chủng toàn dân, tăng cường hệ thống y tế công cộng, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục nâng cao năng lực tự cường, tự chủ vaccine, đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ và đồng đều cho người dân. 

Các nhà Lãnh đạo đã nhất trí thông qua Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực, đồng thời tích cực xem xét khả năng công nhận lẫn nhau và áp dụng giấy chứng nhận tiêm vaccine điện tử cho người dân. Các nước đề nghị cần sớm đưa Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN và Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED) đi vào vận hành hiệu quả, đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong tương lai.

Các nước cũng cho rằng, ASEAN cần tích cực triển khai các nỗ lực nhằm khôi phục chuỗi cung ứng và dịch vụ bị gián đoạn, gỡ bỏ các rào cản thương mại và dành quan tâm đến các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều như du lịch. Việc sớm phê duyệt Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ góp phần tích cực vào nỗ lực từng bước phục hồi tổng thể và bền vững tại khu vực. 

Tham dự các hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 cùng các hội nghị liên quan còn có sự góp mặt của lãnh đạo các đối tác đối thoại ASEAN, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nga, cùng đại diện của các quốc gia khác.

WHO cảnh báo đại dịch COVID-19 còn kéo dài 

ổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: AP) 

Ngày 26/10, Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định mặc dù nỗ lực  phòng chống dịch COVID-19 trên thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ nhờ tăng cường tiêm chủng và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, nhưng phân tích tình hình hiện tại và các mô hình dự báo cho thấy đại dịch này "còn lâu mới kết thúc". 

Tuyên bố trên được đưa ra trong khuôn khổ một cuộc họp trực tuyến tại Geneva (Thụy Sĩ). Cũng tại cuộc họp này, Ủy ban khẩn cấp của WHO kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về khẩu trang và khẩu trang y tế có thể tái sử dụng, cũng như các loại vaccine thế hệ tiếp theo và các phương pháp chẩn đoán, điều trị để "kiểm soát đại dịch về lâu dài".

Tuyên bố của Ủy ban trên nêu rõ việc sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay và cải thiện hệ thống thông gió của các không gian trong nhà vẫn là chìa khóa để giảm lây truyền virus SARS CoV-2. Ủy ban cũng cho biết đại dịch kéo dài đang khiến tình trạng khẩn cấp nhân đạo, di cư ồ ạt và các cuộc khủng hoảng khác trở nên phức tạp hơn. Do đó, các quốc gia cần sửa đổi các kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. 

Ủy ban khẩn cấp của WHO gồm 19 thành viên, họp 3 tháng một lần để thảo luận về đại dịch và đưa ra các khuyến nghị. Ngày 30/1/2020, lần đầu tiên Ủy ban này công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) đối với đại dịch COVID-19. Đây là mức báo động cao nhất mà WHO có thể cảnh báo. Ủy ban cũng kêu gọi các quốc gia công nhận tất cả các loại vaccine đã được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp.

Đảo chính ở Sudan

Người dân đốt lốp xe chặn đường ở Khartoum để  phản đối việc bắt giữ các thành viên chính phủ. (Ảnh: AFP) 

Sudan đã trải qua quá trình chuyển đổi bấp bênh do những chia rẽ chính trị và tranh giành quyền lực kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4/2019. Kể từ tháng 8/2019, Sudan do Hội đồng tối cao gồm các đại diện quân sự-dân sự cùng điều hành đất nước.

Tuy nhiên, vào ngày 25/10 vừa qua, nước này đang phải đối mặt với một cuộc đảo chính toàn diện khi quân đội đã nắm quyền kiểm soát đất nước. Thủ tướng Abdalla Hamdok và phu nhân bị giam giữ và đưa đến một địa điểm không được tiết lộ. Nhiều Bộ trưởng cùng quan chức chính phủ cũng bị bắt.

Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu lực lượng vũ trang Sudan, đã giải tán Hội đồng Chủ quyền và chính phủ chuyển tiếp, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc. Ông tuyên bố trên truyền hình rằng một "chính phủ đại diện độc lập và công bằng" sẽ nắm quyền cho đến cuộc bầu cử được tổ chức vào năm 2023. 

Tình hình leo thang tại Sudan diễn ra kể từ tháng 9, khi một cuộc đảo chính quân sự do các lực lượng trung thành với ông Bashir thất bại với hầu hết các sĩ quan liên quan bị bắt. Nhiều người biểu tình Sudan đã xuống đường vào ngày 21/10, yêu cầu thỏa thuận chuyển đổi năm 2019 được tôn trọng và kêu gọi được bầu chọn một chính phủ mới. Bên cạnh đó cũng có những cuộc biểu tình ủng hộ quân đội và phản đối chính phủ dân sự.

Ngày 26/10, cùng với lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi lực lượng đảo chính ở Sudan trả tự do ngay lập tức cho Thủ tướng Abdalla Hamdok và quan chức chính phủ, sau vụ đảo chính và quân đội lên nắm quyền ở quốc gia châu Phi này.

Trong một dòng trạng thái đăng tải trên trang wtitter cá nhân, Tổng thư ký LHQ chỉ trích vụ đảo chính tại Sudan. Ông cũng nhấn mạnh, các bên liên quan ở Sudan cần tôn trọng Hiến pháp nhằm bảo vệ tiến trình chuyển tiếp chính trị phải rất khó mới đạt được ở nước này. LHQ sẽ tiếp tục sát cánh cùng đất nước và người dân Sudan.  

Iran đồng ý nối lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân 

Nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran Ali Bagheri Kani. (Nguồn: Saw Beirut)  

Iran đồng ý nối lại đối thoại nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào cuối tháng 11 tới. Thông tin mang tính khích lệ này được nhà đàm phán hạt nhân Iran Ali Bagheri Kani đưa ngày 27/10, sau cuộc gặp gỡ với các nhà trung gian hòa giải Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ).

Trong một tuyên bố trên Twitter, ông Kani - người đồng thời giữ vai trò là Thứ trưởng Ngoại giao hạt nhân của Iran nêu rõ: “Chúng tôi đã tiến hành đối thoại nghiêm túc và mang tính xây dựng với Đặc phái viên EU Enrique Mora về những yếu tố quan trọng giúp bảo đảm thành công cho các vòng đàm phán… Chúng tôi cũng đã nhất trí sẽ khởi động đàm phán trước cuối tháng 11. Thời điểm cụ thể sẽ được công bố vào tuần tới”.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Iran, vào đầu tháng này, Đặc phái viên của EU đã tới thủ đô Tehran và có các cuộc đối thoại được đánh giá là “tốt đẹp, mang tính xây dựng” với ông Kani.

Trong tuyên bố liên quan tới quyết định của Iran về việc sẽ quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân vào tháng 11 tới, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian đã hối thúc Mỹ thể hiện sự nghiêm túc trong việc quay trở lại thực thi thỏa thuận hạt nhân. Nhân dịp này, ông Abdollahian cũng một lần nữa đề nghị Mỹ gỡ bỏ lệnh phong tỏa một phần tài sản của Iran tại các ngân hàng nước ngoài trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo, coi đây là hành động thể hiện thiện chí từ phía Washington.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử, hay còn được biết đến với tên gọi Bản kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) ký năm 2015 đề cập tới việc Iran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy các lệnh nới lỏng trừng phạt về kinh tế. Tuy nhiên, căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và các cường quốc đã nhen nhóm trở lại sau sự kiện cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi JCPOA vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào Tehran.

Tháng 1/2021, ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ với cam kết coi việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Trong giai đoạn từ tháng 4-6/2021, Iran và các nước phương Tây đã 6 lần đối thoại ở thủ đô Vienna (Áo) nhằm tìm kiếm cơ hội khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Tuy nhiên, tiến trình này đã bị gián đoạn kể từ khi chính trị gia theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi được bầu làm Tổng thống Iran hồi tháng 6.

Thủ tướng Angela Merkel kết thúc nhiệm kỳ 

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao quyết định kết thúc nhiệm kỳ cho Thủ tướng Angela Merkel tại Cung điện Bellevue ở Berlin ngày 26/10/2021. (Ảnh: AFP)

Ngày 26/10, tại Cung điện Bellevue ở Berlin, dinh thự chính thức của Tổng thống Liên bang Đức, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã trao quyết định kết thúc nhiệm kỳ công tác cho Thủ tướng Angela Merkel và các thành viên trong nội các.

Phiên họp đầu tiên của Quốc hội liên bang Đức khóa 20 đã diễn ra ngày 26/10, đúng 1 tháng sau ngày bầu cử chính thức 26/9. Theo quy định của Hiến pháp Đức, chính phủ đương nhiệm sẽ chính thức kết thúc nhiệm kỳ sau phiên họp này và Tổng thống liên bang sẽ trao các quyết định kết thúc nhiệm kỳ cho Thủ tướng và các thành viên chính phủ.

Tuy nhiên, do chính phủ mới chưa được thành lập nên Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đề nghị Thủ tướng Merkel tiếp tục đảm nhiệm cương vị cho tới khi Thủ tướng mới được bầu. Các Bộ trưởng cũng sẽ tiếp tục điều hành công việc như thường lệ.

Phát biểu trong buổi lễ, Tổng thống Steinmeier đã cảm ơn bà Merkel vì những đóng góp to lớn của bà cho nước Đức trong suốt 16 năm qua và ca ngợi bà là một nhà lãnh đạo tiêu biểu trong lịch sử nước Đức. Tổng thống Steinmeier nêu rõ Thủ tướng Merkel đã lãnh đạo đất nước vượt qua rất nhiều cuộc khủng hoảng và những giai đoạn khó khăn nhất, giành được sự tin tưởng lớn của người dân Đức. Bà cũng mang lại cho nước Đức sự tôn trọng và những tình cảm từ châu Âu và trên khắp thế giới. 

Bà Merkel được bầu giữ chức vụ Thủ tướng Đức lần đầu tiên sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2005. Từ đó đến nay, bà đã trải qua 4 nhiệm kỳ liên tiếp trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Đức, dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cả Liên minh châu Âu (EU) vượt qua rất nhiều giai đoạn khó khăn. Với tài năng, sự kiên định và luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, bất đồng, bà nhận được sự tôn trọng lớn từ các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới. Giới phân tích nhận xét với việc bà kết thúc nhiệm kỳ, “kỷ nguyên Merkel” của nước Đức đã kết thúc, tới đây, nước Đức sẽ bước vào giai đoạn “hậu Merkel” với một chính phủ liên minh mới./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới