Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 26 theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Bộ Ngoại giao) 

Với chủ đề "Ðịnh hình kỷ nguyên hậu COVID-19: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu", Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 đã diễn ra trong tuần qua theo hình thức trực tuyến.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình kinh tế, chính trị thế giới trong bối cảnh mới; các nỗ lực ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó dự báo ở khu vực; các thách thức truyền thống và phi truyền thống mà châu Á đang phải đối mặt, và các giải pháp kiến tạo kỷ nguyên mới sau đại dịch nhằm bảo đảm xu thế chủ đạo là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của châu lục.

Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi về việc tái kết nối khu vực thông qua giao lưu văn hóa, giao lưu con người; tăng cường liên kết kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực; những lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong kỷ nguyên COVID-19; vai trò của châu Á trong tiến trình phục hồi và duy trì động lực phát triển của kinh tế toàn cầu.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu sắc, mạnh mẽ, khó lường đến cục diện thế giới, khu vực cũng như đời sống kinh tế xã hội của tất cả các nước. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi tất cả các nước cần gác lại mẫu thuẫn, bất đồng, đoàn kết thống nhất hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cùng chiến thắng để vượt qua đại dịch.

Thúc đẩy sáng kiến ứng phó với đại dịch

Hội nghị Thượng đỉnh Y tế toàn cầu vừa kết thúc với cam kết tăng nguồn cung vaccine cho các nước nghèo hơn. (Ảnh: Xinhua)  


Hội nghị Thượng đỉnh Y tế toàn cầu trực tuyến đã khai mạc ở Rome, Italy với sự tham gia của các nhà lãnh đạo G20. Hàng loạt sáng kiến tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế theo đề xuất của Liên minh châu Âu đã được bàn thảo trong khuôn khổ sự kiện lần này.

Với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo các nước G20, các nước EU và nhiều thể chế đa phương toàn cầu như Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng thế giới hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng nhiều chuyên gia y tế, Hội nghị Thượng đỉnh về Y tế toàn cầu đã thông qua Tuyên bố Rome, đặt kỳ vọng dẫn dắt sự thay đổi cấu trúc các nguyên tắc chuẩn bị và ứng phó đại dịch hay các cuộc khủng hoảng y tế thông qua tăng cường hợp tác quốc tế phát triển từ những sáng kiến an ninh y tế hiện có. Bên cạnh Tuyên bố Rome, hội nghị cũng kêu gọi thiết lập một hiệp ước quốc tế về đại dịch, dựa trên đề xuất trước đó của Liên minh châu Âu tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tháng 12/2020. Sáng kiến này có sự ủng hộ của WHO và lãnh đạo 26 quốc gia gồm 9 nước thành viên EU.

Thông qua hàng loạt sáng kiến trong lĩnh vực y tế, EU không chỉ kỳ vọng sớm kiểm soát được đại dịch, đây cũng là công cụ để EU khôi phục vai trò đi đầu, dẫn dắt các nước và các thể chế chính trị toàn cầu, đồng thời hiện thực hóa kế hoạch tự chủ chiến lược trong lĩnh vực y tế.

Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn

Khói lửa chiến tranh bao trùm dải Gaza sau các cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas. (Ảnh: PressTV)  

Sau 11 ngày giao tranh căng thẳng, Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian, có hiệu lực từ 2h00 ngày 21/5. Theo dữ liệu của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, chiến sự kéo dài nhiều ngay qua đã khiến ít nhất 230 người Palestine, trong đó có 65 trẻ em, đã thiệt mạng ở Gaza. Các nguồn tin của Israel cho biết có 12 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em và 1 binh sĩ. Xung đột cũng khiến hàng nghìn người bị thương, chủ yếu ở Gaza và Bờ Tây.

Chính phủ Israel gọi lệnh ngừng bắn là “đồng thời từ cả đôi bên và vô điều kiện”. Còn giới lãnh đạo Israel cũng nhấn mạnh rằng, những diễn biến trên thực địa sẽ quyết định tương lai các chiến dịch quân sự có được tiếp tục hay không. Trong khi đó, phát ngôn viên của phong trào Hamas tại dải Gaza – ông Hazem Qassem cho biết, lãnh đạo chính trị hàng đầu của Hamas Ismail Haniyeh đã được thông báo về lịch trình thực hiện thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập đề xuất.

Thông báo về lệnh ngừng bắn giữa Hamas và Israel đã được nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới hoan nghênh, đồng thời kêu gọi hai bên tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận. Được biết, ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn được thông qua, Ai Cập Về phía Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi thông báo đã điều 2 phái đoàn đến Israel và Palestine để giám sát và bàn về nỗ lực duy trì lệnh ngừng bắn.

Tổng thống Mỹ ký ban hành luật chống thù hận đối với người gốc Á

Biểu tình phản đối kỳ thị người gốc Á ở Garfield, Alhambra (California). Ảnh: Los Angeles Times 

Ngày 20/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật về Tội ác thù hận COVID-19, nhằm ngăn chặn số vụ hành hung, kỳ thị và phạm tội nhằm vào người Mỹ gốc Á, vốn gia tăng thời gian gần đây trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia này.     

Đạo luật mạnh mẽ lên án các hành vi phân biệt đối xử nhằm vào các cộng đồng người gốc châu Á tại Mỹ, quy định thành lập một đơn vị mới tại Bộ Tư pháp có nhiệm vụ xem xét các đánh giá về nguy cơ hành vi tội ác đối với người gốc Á. Đạo luật cũng yêu cầu cung cấp nguồn tài trợ cho các bang lập đường dây nóng để báo cáo các tội ác thù hận và đào tạo cơ quan thực thi pháp luật về cách ngăn chặn và xác định tội phạm thù hận, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên bang làm việc với các tổ chức cộng đồng để giúp nâng cao nhận thức về tội ác thù hận trong đại dịch.

Trước đó, đạo luật này đã được thông qua tại Hạ viện với 364 phiếu ủng hộ và 62 phiếu chống, trong khi tại Thượng viện tỷ lệ này là 94-1. Đây là một trong những đạo luật hiếm hoi nhận được sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, cũng như được đánh giá là hành động quyết liệt mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nhằm giải quyết tình trạng thù hận nhằm vào người gốc Á.

Cam kết vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao trùm, tự do và rộng mở

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: AP) 

Trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh tại Nhà Trắng ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt. 

Bên cạnh đó, tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Hàn Quốc trong việc củng cố các cách tiếp cận đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo đó, hai nhà lãnh đạo thống nhất sẽ phối hợp với nhau theo hướng phù hợp với "Chính sách hướng Nam mới" của Hàn Quốc và tầm nhìn của Mỹ về một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đồng thời sẽ hợp tác để tạo ra một khu vực an toàn, thịnh vượng và năng động.

Mỹ và Hàn Quốc cũng phản đối mọi hoạt động phá hoại, gây mất ổn định hoặc đe dọa trật tự quốc tế đã được xây dựng dựa trên luật định, cũng như cam kết duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao trùm, tự do và rộng mở. Hai bên cam kết duy trì hòa bình và ổn định, tự do thương mại hợp pháp và tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông./.