Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại nhà ga Leningradsky ở thủ đô Moscow (Nga), ngày 19/10/2021. (Ảnh: Xinhua) |
Còn về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 20/10 cho thấy, hiện toàn thế giới có 219.670.460 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 17.725.001 ca bệnh đang điều trị thì có 17.646.892 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 78.109 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan sang 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất.
Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 20/10, hiện 47,8% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 6,7 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 20,54 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện khiêm tốn, hiện ở mức 2,8%. |
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 61.900.627 trường hợp, trong đó có 1.266.692 ca tử vong và 56.433.937 ca được điều trị khỏi. Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu khi nhiều nước ghi nhận tình trạng tăng vọt số ca mắc và tử vong.
Trong 24 giờ qua, trên toàn nước Nga ghi nhận 1.015 ca tử vong vì COVID-19, tăng so với mức 998 ca được ghi nhận 1 ngày trước đó và nâng tổng số ca tử vong lên 225.325 ca. Trong khi đó, tổng số ca mắc tại quốc gia châu Âu này cũng đã vượt mốc 8 triệu ca sau khi ghi nhận thêm gần 34 nghìn ca mắc mới. Ngày 19/10, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova đã đề nghị 1 tuần không làm việc từ ngày 30/10-7/11, để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm COVID-19. Bà cho hay đã đề xuất áp dụng biện pháp trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga và cũng thừa nhận đây là biện pháp khó khăn, song hy vọng chính phủ và người dân ủng hộ để nhanh chóng dập dịch. Dự kiến, bà Golikova sẽ đệ trình đề xuất này lên Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp diễn ra ngày 20/10.
Hiện Bắc Mỹ có 55.285.659 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.125.107 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 45.996.507 ca nhiễm và 748.652 ca tử vong vì COVID-19.
Ngày 19/10, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas nhận thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Mayorkas, 61 tuổi, là quan chức mới nhất trong chính quyền Mỹ thông báo nhiễm COVID-19 mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ, song chưa tiêm mũi tăng cường. Ông hiện chỉ bị các triệu chứng nhẹ và phải cách ly và làm việc tại nhà.
Tính đến sáng 20/10, Nam Mỹ có 38.179.438 ca nhiễm COVID-19, với 1.165.113 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 21.664.879 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Dù số ca mắc mới theo ngày đã có dấu hiệu thuyên giảm, song châu Á vẫn ghi nhận tổng số ca nhiễm COVID-19 ở mức cao, với 78.156.984 ca. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trong khu vực soạn thảo lộ trình mở cửa trong điều kiện “bình thường mới’.
Tính đến sáng 20/10, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.518.181 trường hợp, trong đó có 216.461 ca tử vong và 7.843.027 ca bình phục.
Hiện châu Đại Dương có 282.662 ca nhiễm COVID-19, với 3.466 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 149.421 ca, tiếp theo sau là Fiji với 51.846 ca./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!