Tình hình càng trở nên tồi tệ khi nguồn nước không những không cung cấp đủ cho nhu cầu đang ngày một gia tăng mà còn có dấu hiệu cạn kiệt. Các nhà khoa học đưa ra những dự báo ảm đạm hơn rằng nước luôn là mối đe dọa tiềm ẩn tới tình trạng ổn định của Nam Á khi sức ép dân số gia tăng, nguồn nước ngầm giảm sút và biến đổi khí hậu gây ra hàng loạt tác động tiêu cực. Những dòng sông khô cạn ở Nam Á đang dần trở thành những cống rãnh chứa rác thải. Nước từ các con sông này hầu như không thể sử dụng cho sinh hoạt, thậm chí cũng không còn an toàn khi dùng để tưới cây.
Mực nước ngầm toàn khu vực Nam Á đang giảm sút nghiêm trọng khi các giếng khoan phải đào sâu hơn. Những con sông lớn giờ cũng xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô.
Knut Oberhagemann, chuyên gia về nước ở Dhaka, Bangladesh cho biết, vào mùa khô lưu lượng của sông Hằng chảy vào Bangladesh có khi chỉ là vài m3/giây. Dòng chảy của sông Padma cũng yếu đến mức bị nước biển xâm lấn, khiến đất liền nhiễm mặn nặng. Hiện tượng tương tự cũng đang xảy ra ở vùng châu thổ sông Ấn ở Pakistan. Vùng bán sa mạc này từng trở thành một trong những vùng đất màu mỡ nhất thế giới nhờ hệ thống kênh đào tưới tiêu do người Anh xây dựng. Tuy nhiên, khu vực đất thấp này cũng đang bị nước biển xâm lấn, nguồn nước ngọt mất đi và hiện tượng sa mạc hóa được dự báo là sẽ xuất hiện trở lại.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo tình trạng khan hiếm nước do tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới trẻ em ở khu vực Nam Á nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Trong báo cáo vừa được UNICEF công bố, có tới 347 triệu trẻ em dưới 18 tuổi ở Nam Á đang phải đối mặt tình trạng thiếu nước ở mức cao hoặc cực kỳ cao, con số cao nhất trong nhóm các khu vực được thống kê trên thế giới. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa và các hình thái thời tiết cực đoan khiến nguồn nước không ổn định, các giếng nước khô cạn, ảnh hưởng các gia đình, trung tâm chăm sóc sức khỏe và trường học trong khu vực. Báo cáo cũng dẫn chứng tình trạng nước kém chất lượng, thiếu nước và quản lý nguồn nước yếu kém, điển hình là hoạt động khai thác quá mức nguồn nước ngầm, trong khi lượng nước bổ sung ngày càng giảm sút.
UNICEF dự báo tình trạng khan hiếm nước sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với trẻ em ở Nam Á trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường. Khu vực Nam Á bao gồm tám quốc gia Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Maldives, Pakistan và Sri Lanka, là nơi sinh sống của khoảng 25% số trẻ em toàn cầu.
Ấn Độ, nước đông dân nhất thế giới, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do khan hiếm nước. WB cho biết, mặc dù chiếm 18% dân số thế giới nhưng quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này chỉ có đủ nguồn nước sạch cho 4% người dân. Theo UNICEF, các bệnh dịch như tiêu chảy, dịch tả lây lan do nguồn nước sinh hoạt bẩn và tình trạng vệ sinh kém đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn trẻ em Ấn Độ mỗi năm.
UNICEF cam kết sẽ kêu gọi lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra từ ngày 30/11 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bảo đảm duy trì một "hành tinh có thể sống được".
Lời kêu gọi của UNICEF nhằm thúc đẩy chính phủ các nước quyết tâm, chung tay hành động đối phó biến đổi khí hậu, giảm bớt ô nhiễm môi trường và những tác động tiêu cực của nó, trả lại mầu xanh cho hành tinh. Trong bức tranh tổng thể đó, Nam Á hy vọng sẽ giảm bớt "cơn khát nước", như tuyên bố của Giám đốc UNICEF khu vực Nam Á Sanjay Wijesekera rằng, sử dụng nước sạch là quyền cơ bản của con người.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!