Căng thẳng Nga - NATO leo thang

Nga vừa thông báo “đóng cửa” phái bộ ngoại giao nước này tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ đầu tháng 11, nhằm đáp trả quyết định trục xuất các nhân viên trong phái đoàn Nga mà NATO đưa ra trước đó. Đại diện NATO khẳng định, liên minh vẫn sẵn sàng đối thoại với Nga, sau khi Moskva dừng hoạt động của cơ quan đại diện tại NATO.

Trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ). (Ảnh: TASS)

Ngày 18/10, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, Moskva quyết định “đóng cửa” phái bộ ngoại giao Nga tại NATO từ đầu tháng 11. Mọi thông tin trao đổi giữa hai bên sẽ được thực hiện thông qua Đại sứ quán Nga tại Bỉ.

Phía Nga cũng cho biết, các hoạt động của phái bộ liên lạc quân sự NATO tại Moskva cũng bị đình chỉ; từ ngày 1/11, Nga không công nhận các nhân viên của cơ quan này.

Động thái trên của Moskva được xem là nhằm đáp trả quyết định của NATO hồi đầu tháng 10. Cụ thể, ngày 6/10, NATO thông báo giảm một nửa số nhân viên ngoại giao trong Phái đoàn thường trực Nga tại liên minh quân sự này, từ 20 người xuống còn 10 người, trong đó 8 nhân viên bị trục xuất và 2 vị trí bị hủy.

NATO giải thích quyết định của mình với lý do các nhà ngoại giao bị trục xuất là sĩ quan tình báo, và Moskva không thông báo về việc này. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg sau đó cho biết, quyết định giảm số nhân viên phái đoàn ngoại giao Nga “không gắn với bất kỳ sự kiện cụ thể nào”.

Phía Nga ngay lập tức khẳng định, hành động của NATO đi ngược lại những tuyên bố về nỗ lực đối thoại với Nga mà liên minh quân sự này đưa ra trước đó.

Nhiều nước châu Âu, như Đức, Ba Lan bày tỏ lấy làm tiếc vì quyết định của Nga dừng công việc của phái bộ ngoại giao tại NATO.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho rằng, việc Moskva thông báo “đóng cửa” phái bộ ngoại giao tại NATO khiến mọi việc càng trở nên khó khăn hơn, cũng như gây tổn hại cho quan hệ giữa phương Tây và Nga.

Người phát ngôn NATO Oana Lungescu khẳng định, liên minh vẫn sẵn sàng đối thoại với Nga, đồng thời cho biết, đề xuất của NATO về việc tổ chức một cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO vẫn còn hiệu lực.

Quan hệ Nga - NATO xấu đi nhanh chóng kể từ sau cuộc xung đột ở miền đông Ukraine năm 2014, sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập lãnh thổ Nga. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, kể từ năm 2014, NATO đã cắt giảm liên hệ với phái bộ ngoại giao Nga và tỏ ra không “mặn mà” với bất kỳ cuộc đối thoại bình đẳng nào. Điều này khiến Moskva không kỳ vọng nhiều vào những thay đổi trong quan hệ với NATO thời gian tới.

Thực tế, việc NATO trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi Brussels (Bỉ) không phải mới mẻ. Năm 2018, sau vụ lùm xùm chung quanh cựu nhân viên mật vụ Nga Sergei Skripal, NATO đã quyết định cắt giảm thành phần phái bộ thường trực Nga từ 30 người xuống còn 20 người.

Dù NATO khẳng định sẵn sàng đối thoại sau quyết định của Nga, song những động thái “đáp trả lẫn nhau” mà cả Nga và NATO đưa ra cho thấy, khó có thể có những thay đổi mang tính bước ngoặt trong quan hệ hai bên thời gian tới.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới