Xung quanh việc khai thác quặng đồng ở bản Ngậm

Trước thông tin phản ánh của người dân bản Ngậm, xã Song Pe (Bắc Yên) về việc Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc sử dụng vật liệu nổ khai thác quặng đồng làm hư hỏng nhà ở, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống các hộ dân vùng lân cận, chúng tôi đã về bản Ngậm để tìm hiểu sự việc.

Lo sợ bởi mất an toàn

 

Tại bản Ngậm, chúng tôi tìm đến gia đình anh Đinh Văn Hùng - người phản ánh sự việc với chúng tôi qua điện thoại. Theo quan sát, ngôi nhà của gia đình anh Hùng cách mỏ đồng khoảng 100 mét. Trong nhà, vết nứt xé rách nền nhà bằng gạch men mới lát, kéo dài gần hết cả phòng khách. Anh Hùng thông tin: Đã nhiều lần, nhân dân bản Ngậm trao đổi, yêu cầu Ban Quản lý mỏ xử lý việc nổ mìn gây ra rung chấn, nứt, hỏng nền nhà và công trình vệ sinh của các hộ dân, nhưng mãi không có phương án xử lý.

 

Mỏ đồng bản Ngậm, xã Song Pe (Bắc Yên) sau khi có Công văn của UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Anh Đinh Văn Tương, Phó Trưởng bản Ngậm, nói: Không chỉ 17 hộ sống gần khu vực khai thác mỏ bị thiệt hại, mà nhiều hộ khác trong bản cũng bị hư hỏng nền nhà ở; công trình phụ bị nứt, dẫn đến rò rỉ nước. Riêng điểm trường tiểu học bản Ngậm, vì nhà lớp học cũ, lại bị rung chấn do nổ mìn, nên bị hư hỏng cả trần, vách và nền nhà, không an toàn cho học sinh và giáo viên nên phải di chuyển sang học tại nhà công vụ. Người dân bản Ngậm cũng rất lo lắng đó là rung chấn tạo ra nhiều vết nứt trên các sườn đồi xung quanh khu vực mỏ và trên núi phía sau bản.

 

 

Điểm trường Tiểu học bản Ngậm, xã Song Pe (Bắc Yên) dừng hoạt động dạy học do không bảo đảm an toàn.

Điểm trường Tiểu học bản Ngậm, xã Song Pe (Bắc Yên) dừng hoạt động dạy học do không bảo đảm an toàn.

Một hộ dân khác, ông Đinh Văn Tin, cung cấp thêm thông tin: Nổ mìn trong hầm mỏ còn tác động đến khe nước trong lòng núi, khiến nước trào ra tại khu vực sạt lở đất ở giữa bản. Thêm nữa, đất, đá sau khi đưa ra khỏi hầm chất đống cao trong khu mỏ, nếu tình trạng nổ mìn vẫn diễn ra, cùng với mưa lớn có thể gây sạt lở, rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân trong bản. 

Cũng theo người dân phản ánh, ngoài nỗi lo sạt lở đất, nước thải chứa dầu mỡ và các tạp chất từ khu vực rửa xe, sửa chữa và bảo dưỡng cơ khí chưa được Công ty xử lý, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.

Lo sợ mất an toàn là tâm trạng chung của các hộ dân bản Ngậm. Mặc dù nhân dân có ý kiến nhiều lần, nhưng tình trạng nổ mìn khai thác khoáng sản diễn ra suốt hơn 2 năm qua. Người dân bản Ngậm đã làm đơn kiến nghị với UBND xã Song Pe, UBND huyện Bắc Yên và cơ quan chức năng, các cấp có thẩm quyền trong tỉnh.

 

Mong người dân “thông cảm”

Mỏ đồng tại bản Ngậm được UBND tỉnh Sơn La cấp Giấy phép số 597/GP-UBND ngày 20/3/2018. Theo xác định của các cơ quan chức năng, đây là mỏ khoáng sản lộ thiên và được phép sử dụng vật liệu nổ trong quá trình khai thác. Diện tích khai thác mỏ rộng 2,82 ha, trữ lượng trên 34.500 tấn quặng; công suất khai thác 3.000 tấn/năm, thời hạn khai thác trong 13 năm 6 tháng. Mỏ đồng tại bản Ngậm chính thức khai thác khoáng sản vào quý II năm 2018.

Ông Lò Duy Hùng, phụ trách sản xuất của Ban Quản lý mỏ đồng cung cấp cho chúng tôi nhiều văn bản, giấy tờ liên quan, gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy phép khai thác khoáng sản được UBND tỉnh Sơn La cấp ngày 20/3/2018; một số báo cáo kỹ thuật và các phương án xử lý sự cố nứt, sụt lún và sạt lở đất, đá tại mỏ đồng bản Ngậm...

Trả lời về việc nổ mìn trong quá trình khai thác gây thiệt hại cho người dân bản Ngậm, ông Hùng nói: Trong quá trình khai thác khoáng sản, chúng tôi thực hiện đúng quy định về khối lượng chất nổ đã được cấp phép; hoạt động của mỏ đúng kế hoạch.

 

Nền nhà của một hộ dân bị hư hỏng do rung chấn nổ mìn.

Khi được hỏi thêm về tài liệu ghi chép khối lượng chất nổ được sử dụng hằng ngày trong quá trình khai thác mỏ, ông Hùng từ chối cung cấp với các lý do: Hiện nay, tài liệu đó đang được Công an tỉnh Sơn La tạm giữ phục vụ quá trình điều tra; một bản khác thì nằm trong két cất giữ tài liệu, hiện người cầm chìa khóa không có mặt tại mỏ v.v...! Ông Hùng khẳng định: Sử dụng vật liệu nổ luôn tuân thủ khối lượng từ 2,4 - 3kg chất nổ trong mỗi lần khai thác, dưới mức quy định 4,8 kg. Mỏ đồng nổ mìn khai thác khoáng sản với tần suất 2 lần/ngày vào khoảng thời gian 11h và 17h. Trong quá trình khai thác không thể tránh khỏi việc tạo ra rung chấn, nên rất mong người dân hiểu và “thông cảm”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Trước những ý kiến của nhân dân bản Ngậm, xã Song Pe (Bắc Yên) về việc sử dụng vật liệu nổ khai thác quặng đồng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân của Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Bắc Yên đang tích cực vào cuộc giải quyết với phương châm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

 

Tạm dừng khai thác mỏ

 

Ngay khi xã Song Pe báo cáo việc xảy ra xô xát vào ngày 14/1/2021 giữa nhân dân bản Ngậm và công nhân Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 71/QĐ-UBND ngày 15/1/2021 thành lập Tổ kiểm tra gồm đại diện các Sở Công Thương; Tài nguyên & Môi trường; Công an tỉnh thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của mỏ đồng tại bản Ngậm. Cùng thời điểm này, huyện ủy Bắc Yên đã tổ chức Đoàn công tác về bản Ngậm, do đồng chí Đỗ Văn Xiêm, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy làm Trưởng đoàn để nắm tình hình và tổ chức đối thoại với người dân bản Ngậm.

Đồng chí Mùi Thị Hiền, Bí thư Huyện ủy Bắc Yên, cho biết thêm: Cùng với việc đối thoại với người dân, Ban Thường vụ huyện ủy chỉ đạo Công an huyện tiếp tục đưa lực lượng về địa bàn để ổn định tình hình, bảo đảm an ninh trật tự; điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. Huyện cũng đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để giải quyết.

Theo báo cáo số 12/BC-TCT, ngày 10/3/2021 của Tổ kiểm tra, chỉ rõ: Một số hạng mục mà chủ đầu tư đã hoàn thành thi công, nhưng không bảo đảm theo thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt. Trong đó, đường vận tải từ mỏ ra cảng chiều rộng mặt đường nhỏ hơn so thiết kế. Việc xử lý đất, đá phát sinh trong quá trình khai thác tại cửa lò số 1 đang được đổ tại vị trí cửa lò số 2, với tổng khối lượng hơn 3.200 m³ trên diện tích đất rộng 928m², độ cao trung bình của khối lượng đất, đá đổ tại đây là hơn 3,5 mét. Chưa xây dựng hố ga lắng cặn dầu và hố lắng để xử lý nước thải chứa dầu mỡ và các tạp chất từ khu vực rửa xe, sửa chữa và bảo dưỡng cơ khí trên mặt bằng...

Trên cơ sở báo cáo của Tổ Công tác, ngày 11/3/2021, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Công văn số 668/UBND-KT yêu cầu Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc tạm dừng tất cả các hoạt động triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác và tuyển quặng đồng tại khu vực bản Ngậm, xã Song Pe đến hết ngày 15/7/2021. Đồng thời, tiến hành đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản...

Cửa lò khai thác số 1 - mỏ đồng bản Ngậm.

UBND tỉnh chỉ đạo Tổ công tác và các sở, ngành liên quan, theo dõi, giám sát việc dừng các hoạt động, cũng như việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác và tuyển quặng đồng tại khu vực bản Ngậm. Điều tra làm rõ vụ việc xảy ra ngày 14/1/2021, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm gây mất an ninh trật tự. Tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các quy trình về thẩm định thiết kế bản vẽ thi công công trình khai thác mỏ đồng bản Ngậm của Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc và việc cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để đề xuất với tỉnh phương án giải quyết.

 

Đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống cho người dân

Trở lại bản Ngậm, chúng tôi nhận thấy, người dân đồng tình với cách giải quyết của UBND tỉnh quyết định tạm dừng hoạt động khai thác và tuyển quặng đồng của Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc. Ông Đinh Văn Mức, Trưởng bản Ngậm nói: Chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền chỉ đạo Công ty đưa ra những phương án đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống cho người dân. Đồng thời, yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ việc Công ty sử dụng vật liệu nổ trong quá trình khai thác khoáng sản gây rung chấn, ảnh hưởng đến các hộ dân trong khu vực.

Tiếp tục giải quyết những kiến nghị của người dân, ngày 21/3, UBND tỉnh  đã tổ chức đoàn công tác về bản Ngậm để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân; đồng thời, kiểm tra thực trạng hoạt động, đánh giá thực trạng môi trường và tác động của việc sử dụng vật liệu nổ xung quanh khu vực khai thác của mỏ đồng. Đoàn công tác đã xử phạt hành chính Công ty cổ phần khoáng sản Tây Bắc 90 triệu đồng do chưa hoàn thành các hạng mục bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Đối với những vết đứt gãy khá lớn trên sườn đồi của bản, được xác định là do ảnh hưởng của thiên tai năm 2018 nằm gần khu vực mỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho các hộ dân xung quanh. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Bắc Yên và Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc khẩn trương có phương án di dời 17 hộ sống trong phạm vi bán kính dưới 200 - 300m.

Xung quanh việc khai thác quặng đồng ở bản Ngậm đã và đang được các cấp, các ngành trong tỉnh, huyện Bắc Yên và địa phương vào cuộc giải quyết, với phương châm: Bảo đảm đúng các quy định của pháp luật; quyền lợi của doanh nghiệp và lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong thời gian này, nhân dân bản Ngậm và doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tránh để kẻ xấu lợi dụng, kích động, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Phát triển nhà ở thương mại, khu dân cư

    Phát triển nhà ở thương mại, khu dân cư

    Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị ở tỉnh ta những năm gần đây được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần tăng nguồn cung bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
  • 'Dạy thực chất, học thực chất

    Dạy thực chất, học thực chất

    Khoa Giáo -
    Tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”, đưa việc “Dạy thực chất, học thực chất” ngày càng đi vào chiều sâu, đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của huyện Mai Sơn.
  • 'Chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động

    Chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động

    Xã hội -
    Với phương châm “Hướng về cơ sở, vì người lao động”, các cấp công đoàn của huyện Thuận Châu đã cụ thể hóa các phong trào thi đua phù hợp với cơ quan, đơn vị; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động.
  • 'Sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững ở Mường Sang

    Sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững ở Mường Sang

    Kinh tế -
    Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, phường Mường Sang, thị xã Mộc Châu đã vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
  • 'Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

    Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

    Xã hội -
    Huyện đoàn Mường La có 27 cơ sở đoàn, với gần 11.500 đoàn viên. Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, tuổi trẻ của huyện đã phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết và tinh thần cống hiến, triển khai nhiều công trình, phần việc thiết thực vì cuộc sống cộng đồng.
  • 'Quỳnh Nhai nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng

    Quỳnh Nhai nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng

    Xây dựng Đảng -
    Nghiêm túc quán triệt các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở”, Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mọi mặt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh.
  • 'Phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Alo 114 -
    Hạn chế thấp nhất tình trạng cháy, nổ, huyện Sông Mã đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
  • 'Chủ động bảo vệ rừng mùa khô

    Chủ động bảo vệ rừng mùa khô

    Xã hội -
    Huyện Phù Yên có gần 62.190 ha rừng, với độ che phủ rừng đạt trên 49,6%. Đang là kỳ cao điểm mùa khô hanh, huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.