Tạ Khoa chuyển đổi cây trồng trên đất dốc

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tạ Khoa (Bắc Yên) đã đầu tư cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của người dân bản Tân Cuông, xã Tạ Khoa (Bắc Yên).

 

Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, xã Tạ Khoa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn nước. Ông Quàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã, cho biết: UBND xã chỉ đạo các bản vận động người dân mở rộng diện tích cây ăn quả. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân; hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, phương pháp thu hái, bảo quản sau thu hoạch...; liên kết với các doanh nghiệp trong huyện, ngoài huyện bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và chương trình quốc gia 135, xã đã hỗ trợ 10.500 cây giống xoài Đài Loan, 4.000 cây mận và gần 3.800 cây nhãn giống cho các hộ nghèo, cận nghèo. Nông dân ở các bản thực hiện cải tạo vườn tạp, cưa đốn hơn 500 cây ăn quả đã già, năng suất thấp để tiến hành ghép cải tạo các loại giống mới. Hiện, Tạ Khoa có trên 131 ha cây ăn quả các loại, trong đó 5 ha cây mận hậu; 10 ha nhãn; 20 ha xoài và hơn 100 ha chuối. Từ trồng cây ăn quả, nhiều hộ gia đình trong xã đã có thu nhập ổn định từ 100-200 triệu đồng/năm.

Đến thăm gia đình anh Quàng Văn Ban, bản Tân Tiến. Anh Ban nói: Tôi là người tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc ở bản. Hiện tại, gia đình tôi có 1 ha xoài Đài Loan, 200 gốc chuối. Để sản xuất hiệu quả, tôi đã tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả do xã tổ chức; học hỏi qua sách, báo, mạng Internet và những mô hình trồng cây ăn quả đạt hiệu quả cao trong tỉnh, trong huyện... Năm 2020, gia đình thu hơn 10 tấn quả, giá bán từ 5.000 - 8.000 đồng/kg, còn chuối cho thu hoạch quanh năm. Bên cạnh đó, gia đình tôi đang chăn nuôi 6 con trâu, bò và hơn 100 con gia cầm. Bình quân một năm thu từ cây ăn quả và chăn nuôi được trên 100 triệu đồng.

Dọc đường đi vào bản Tân Cuông, chúng tôi bắt gặp những vườn xoài phủ kín các triền đồi đang vào vụ thu hoạch. Ông Hà Văn Lóng, Trưởng bản Tân Cuông, cho biết: Năm 2016, được sự hướng dẫn và hỗ trợ cây giống của chính quyền xã, người dân trong bản đã chuyển đổi sang trồng xoài, nhãn, chuối... Hiện, bản có 15 ha cây ăn quả các loại, mỗi ha cho thu hoạch từ 6,5 đến 8 tấn quả các loại, nhờ vậy đời sống người dân trong bản từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của bản còn khoảng 30%.

Thời gian tới, xã Tạ Khoa tiếp tục quy hoạch vùng trồng cây ăn quả phù hợp; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp; vận động thành lập HTX để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình ứng dụng công nghệ cao... Phấn đấu, đến năm 2025 toàn xã có 250 ha cây ăn quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Phạm Hoa
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới