Trở lại Phiêng Côn (Bắc Yên) những ngày cuối năm, hai bên con đường nhựa dẫn vào trung tâm xã, là những cây đào đang nở hoa rực rỡ. Đồng bào Dao đỏ nơi đây đang nô nức chuẩn bị đón năm mới với những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Phiêng Côn gói bánh chưng đón Tết.
Xã Phiêng Côn được tách từ xã Sặp Vạt và Mường Lựm, huyện Yên Châu. Đồng bào dân tộc Dao đỏ ở đây thành lập bản Chiềng Sinh (nghĩa là tự lực cánh sinh); chịu thương, chịu khó khai hoang ruộng đất, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Năm 1979, sáp nhập vào huyện Bắc Yên, với 6 bản, dân tộc Dao đỏ chiếm 60%. Đồng bào Dao quan niệm, Tết là dịp để gia đình nghỉ ngơi, sum họp sau 1 năm lao động vất vả, là dịp để báo với tổ tiên về những thành quả lao động trong năm, cầu mong những điều tốt sẽ đến trong năm mới. Vì vậy, từ ngày 20 tháng chạp, người dân sửa sang nhà cửa, ra chợ phiên mua lá dong, xát thóc nếp để gói bánh chưng, cất rượu... Theo phong tục tập quán, mọi thủ tục dâng lễ thắp hương đón Tết của người Dao đỏ đều làm trong năm cũ, từ ngày 27 đến 30 tháng chạp âm lịch. Mâm cỗ cúng tất niên ngoài bánh chưng, thịt lợn, thịt gà, rượu... còn có thêm túi mật của con vật và tiền vàng mã. Đồng bào Dao không tự làm lễ mà mời thầy cúng, hoặc những người lớn tuổi có uy tín về nhà hành lễ, trước là để cúng tổ tiên, thông báo cho tổ tiên năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới. Đây cũng là dịp để con cháu tỏ lòng cảm ơn đến ông bà, tổ tiên đã phù hộ cho con cháu trong năm cũ và tiếp tục phù hộ cho năm mới được may mắn, thuận lợi, cầu cho sức khỏe, mùa màng bội thu và đuổi trừ tà ma, mọi điều xấu rủi ro. Sau bữa cơm tất niên, tất cả mọi người trong gia đình mặc những bộ trang phục truyền thống mới và đẹp nhất để đón giao thừa. Đêm giao thừa, đồng bào Dao đỏ không ra khỏi nhà mà quây quần bên nhau để chờ thời điểm bước sang năm mới chúc tuổi và những điều may mắn. Sáng mùng 1 Tết, những người lập tịch, cấp sắc sẽ tập trung thành nhóm 4-5 người cầu may cho năm mới, sau đó cùng nhau ăn uống, đi chúc Tết họ hàng, hàng xóm, láng giềng. Còn các em nhỏ đang đi học, sau khi thức dậy là ngồi vào bàn, “khai bút”, tượng trưng cho sự khởi đầu sự nghiệp, sự học trong năm mới; gửi gắm trong những nét chữ đầu năm ấy còn là ước nguyện chung về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý. Bên cạnh đó, những ngày đầu xuân, các thầy cúng, những già làng tổ chức dạy chữ nho, dạy thêu thùa, nhuộm vải cho thế hệ trẻ ngay tại gia đình mình. Việc dạy chữ vừa thể hiện truyền thống hiếu học, vừa thể hiện vai trò trách nhiệm của những người lớn tuổi đối với thế hệ trẻ để chữ viết, văn hóa của dân tộc mãi được gìn giữ và phát huy. Ngày Tết, các bản làng đồng bào Dao đỏ không sát sinh, không giã gạo, kiêng nói to, nói tục, nói bậy, nói đến những điều không hay như ốm đau, mất mát và kiêng đòi nợ; chỉ được nói những lời hay, ý đẹp, những điều may mắn tốt lành thì cả năm làm ăn mới phát đạt, gặp may mắn. Ở những bản làng đồng bào Dao, kinh tế chủ yếu là làm nông nghiệp, nên họ thường chọn ngày lành, tháng tốt để “khai quang”, buổi đi làm đầu tiên, ước mong mọi công việc làm ăn sẽ thuận lợi. Mỗi người có thể cuốc đất, phát cỏ trên nương, chỉ vài nhát cuốc và trồng tượng trưng, lấy may.
Ngày đầu năm mới các chàng trai, cô gái Dao mặc những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất, tiếng cười nói rộn rã, gọi nhau để đi chơi Tết, đây cũng là dịp để các cô gái khoe sự khéo léo thể hiện trên những trang phục truyền thống của dân tộc mình bằng những đường chỉ hoa văn, tôn lên vẻ đẹp hồn nhiên trong nắng xuân. Đây cũng là dịp, các cô gái, chàng trai tìm hiểu để nên duyên vợ chồng.
Ngày nay, thực hiện nếp sống văn hóa, Lễ Tết đồng bào Dao đỏ được tổ chức quy củ, tiết kiệm, chỉ ăn Tết từ 5-7 ngày chứ không như trước đây kéo dài tới 15-20 ngày. Xã tuyên truyền, vận động bà con đồng bào Dao đỏ vui xuân đón Tết với tinh thần đoàn kết, đảm bảo an toàn, giữ gìn nét văn hóa đậm đà bẳn sắc dân tộc. Sau khi chọn được ngày tốt, họ lại sắm sửa một mâm cơm cúng, tiễn “ma nhà” về với cõi âm, sau đó gõ máng giã gạo trước nhà báo hiệu hết Tết, rồi lấy dao, lấy cuốc, mài cho thật sắc, tra lại cán cho chắc tay để lên nương, ra đồng với khí thế hăng say và hy vọng một năm mới đầy đủ.
Thu Thảo (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!